Không nhằm mục đích là học ngoại ngữ để có kiến thức, hỗ trợ tốt cho công việc, hiện nay nhiều sinh viên chỉ học đối phó kiếm tấm bằng tốt nghiệp. Kết quả, khi ra trường, sinh viên không xin được việc hoặc có việc nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến chỉ vì… ngoại ngữ.
Chỉ sợ thi tuyển, không sợ xét bằng
Nhiều SV khi tìm đến các trung tâm ngoại ngữ chỉ đặt nặng câu hỏi: “Học có dễ lấy bằng hay không?”. Với tâm lý đó, việc học ngoại ngữ chỉ với mục đích là hợp thức hóa kiếm tấm bằng tốt nghiệp ra trường. Nguyễn Kim Chi, sinh viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Trình độ tiếng Anh của tôi không được tốt. Nhà trường xếp đầu vào cho tôi học lớp trình độ tiếng Anh căn bản. Vì ngoại ngữ ở trường không tính vào điểm tổng kết năm học mà chỉ yêu cầu học đủ môn nên chúng tôi chỉ học để thi cho qua. Lớp tôi khoảng 50 học viên, nhưng bữa nào cũng chỉ đi học được khoảng 10 người. Tôi cũng hay nghỉ học vì có đi học thì cũng chẳng hiểu, khi nào đến ngày thi thì đi đánh “lủi” đáp án. Nếu không đậu thì thi lại lần hai, lần ba”.
Giảng viên nước ngoài trao đổi kinh nghiệm học tiếng Anh với sinh viên TPHCM.
Nguyễn Bích Loan, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết: “Trường tôi đưa tiếng Anh vào chương trình học cho đủ tín chỉ chứ không bắt buộc nộp bằng. Tôi học yếu ngoại ngữ nên chỉ học cho qua thôi, đi thi được 5 điểm là mừng rồi. Mỗi tuần chỉ có một buổi học Anh văn, nên cũng thoải mái. Bữa nào rảnh thì đi, bận thì nghỉ, chứ lên ngồi nghe cũng không tiến bộ thêm gì, miễn sao học đủ hết tín chỉ là ra trường”. Có nhiều sinh viên không chịu học tiếng Anh, đến khi gần ra trường, xoay xở mãi vẫn không thi đậu. Nhiều sinh viên đã đi mua bằng từ các trung tâm ngoại ngữ để đối phó với chuẩn đầu ra của trường.
Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH KHXH - NV TPHCM, cho biết: “Trường tôi bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ B là chuẩn đầu ra. Kỹ năng nghe và nói của tôi không tốt nên tôi học theo kiểu luyện thi, giải đề. Nếu không đậu thì tôi sẽ đi mua bằng. Bằng A, B, C tiếng Anh bây giờ nhan nhản, chỉ cần khoảng 3 triệu đồng là có ngay một tấm bằng để xét tốt nghiệp. Tôi sợ nhất là trường tổ chức thi tuyển, chứ xét bằng thì chẳng lo”.
Trăm sự chỉ tại đối phó
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, việc học, thi và lấy bằng ngoại ngữ với trăm kiểu đối phó để tốt nghiệp đã khiến các bạn trẻ sau khi ra trường, cầm tấm bằng loại giỏi trong tay nhưng vẫn không xin được việc. Thậm chí, dù có kinh nghiệm khá tốt ở vị trí chuyên môn nhưng họ vẫn bị vuột mất cơ hội được xét tuyển vào làm việc.
Trịnh Văn Cường tốt nghiệp loại giỏi. Là sinh viên năng động, giao tiếp tốt, có nhiều ý tưởng sáng tạo nên Cường đã được nhận vào làm ở một công ty truyền thông và được cấp trên đánh giá cao. Thời gian đầu khi còn là nhân viên, Cường thường giao dịch với khách hàng qua văn bản, email, khi gặp trực tiếp khách hàng thì nhờ người phiên dịch lại. Nhưng khi là trưởng phòng, Cường buộc phải tự mình truyền đạt lại nội dung, báo cáo hợp đồng bằng tiếng Anh với cấp trên thì Cường lại rất ấp úng. Bởi vậy khi công ty thay đổi vị trí nhân sự, chức giám đốc bộ phận còn trống lẽ ra sẽ là cơ hội rất lớn cho Cường song anh đã để vuột khỏi tầm tay.
Nhờ vào sự trợ giúp của người quen, sau khi tốt nghiệp, Ngọc Loan cũng được nhận vào làm thư ký của một công ty. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, khi các cuộc họp thường xuyên với đối tác nước ngoài, hẹn lịch gặp gỡ cho giám đốc thường xuyên phải sử dụng tiếng Anh, Loan đã bộc lộ rõ yếu kém của mình về ngoại ngữ, không hiểu rõ nội dung ký kết hợp đồng dẫn tới một số sai sót. Kết quả là sau hai tháng thử việc, Loan bị sa thải. Trong thời gian ở nhà chờ tìm công việc mới, cô đành ngậm ngùi tham gia vào một lớp học thêm nhằm nâng cao ngoại ngữ.
Tình huống như Loan không chỉ gặp ở những người đang đi làm. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã bị mất cơ hội trong tuyển dụng chỉ vì hạn chế ngoại ngữ. Nguyễn Hoàng Lan Anh, sinh viên Đại học Y Dược TPHCM, nghĩ rằng ngành của mình ra đi làm không phải đòi hỏi tiếng Anh nên không chú tâm học. Đến khi ra trường rồi, Lan Anh mới tá hỏa.
Khi đi phỏng vấn, người ta bảo tự giới thiệu bằng tiếng Anh về bản thân và dự định về nghề nghiệp, Lan Anh như gà mắc tóc, chỉ trả lời đúng được một câu duy nhất: “What’s your name?”. Lan Anh đã bị rớt ngay từ vòng phỏng vấn, mặc dù hồ sơ xin việc rất tốt, kết quả học tập khá. Chán nản, Lan Anh đành từ bỏ mong muốn trở thành bác sĩ ở TP, nhờ sự trợ giúp của người nhà và xin làm ở trung tâm y tế địa phương.
BẢO ANH