Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố kế hoạch tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố năm 2016.
Nhiều sinh viên tìm việc tại hội chợ việc làm
Theo đó, năm học 2016-2017, TPHCM dự kiến tuyển dụng 375 viên chức cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT, trong đó có 341 giáo viên và 34 nhân viên. Số liệu này so với năm học trước đã giảm 223 người, trong đó giáo viên giảm 208 người và nhân viên giảm 11 người. Lý giải thực tế này, một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, đây là chỉ đạo chung của UBND TP, trong năm 2016, các quận huyện phải đồng loạt cắt giảm 5% chỉ tiêu biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Thêm vào đó, năm học này nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở các trường giảm so với năm học trước, một số đơn vị đã ổn định đội ngũ, không có nhu cầu tuyển dụng thêm nên tổng chỉ tiêu có nhiều biến động.
Một điểm đáng lưu ý nữa là năm nay, điều kiện tuyển dụng viên chức một mặt vẫn tuân theo quy chế tuyển dụng viên chức như mọi năm (có quốc tịch Việt Nam, hộ khẩu tại TPHCM, từ 18 tuổi trở lên, có văn bằng, kết quả học tập theo yêu cầu vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực...); mặt khác, yêu cầu tuyển dụng đã mở rộng cả đối tượng không có hộ khẩu TP. Theo đó, các ứng viên không có hộ khẩu TP, muốn dự tuyển vào các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo ít nhất một trong các điều kiện sau: có học hàm giáo sư (tuổi đời dưới 45 đối với nữ và dưới 50 tuổi đối với nam), phó giáo sư (tuổi đời dưới 40), có bằng tiến sĩ (tuổi đời dưới 35 tính đến ngày dự tuyển), có bằng thạc sĩ (tuổi đời dưới 30 tính đến ngày dự tuyển) hoặc tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH trong nước, loại giỏi các trường ĐH nước ngoài (tuổi đời dưới 25 tính đến ngày dự tuyển). Đây được xem là một trong những ưu tiên, đặc cách cho các ứng viên không có hộ khẩu TP, giúp các đối tượng ngoại tỉnh, có mong muốn, nguyện vọng làm việc tại TPHCM thêm cơ hội đóng góp cho sự phát triển của TP.
Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát bỏ túi đối với sinh viên năm ba và năm tư của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chỉ có 20% sinh viên quan tâm điều kiện mở rộng này, còn lại đa phần các bạn đều đánh giá “cửa xét tuyển đã mở nhưng việc lách qua khe cửa hẹp để trở thành viên chức tại TPHCM vẫn là yêu cầu khó đối với nhiều sinh viên”. Nguyên nhân do mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH trong nước không nhiều. Trong đó, nhiều trường hợp ngay khi vừa tốt nghiệp, các bạn đã được tỉnh, thành nơi có hộ khẩu thường trú tài trợ học bổng, ưu tiên xét tuyển vào các đơn vị hành chính sự nghiệp tại quê nhà. Một số bạn nhận học bổng của các tập đoàn giáo dục trong và ngoài nước, tiếp tục du học ở nước ngoài để có bằng cấp cao hơn. Trong khi đó, số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường ĐH trong nước, dù có mong muốn ở lại TPHCM công tác nhưng vì không có hộ khẩu TP đành chấp nhận nộp hồ sơ vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập, vốn không đòi hỏi gắt gao vấn đề hộ khẩu.
Như vậy, chính sách dù mở nhưng theo dự báo của nhiều người sẽ có rất ít trường hợp đáp ứng đủ các tiêu chí đề ra. Do đó, thiết nghĩ trong những năm học tới, TP cần có thêm nhiều chính sách mở cửa để thu hút tốt hơn nguồn lao động chất lượng cao phục vụ sự phát triển của TP.
THANH THU