Cảm thấy có động lực hơn nhưng vẫn lo, bởi theo nhiều doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang thiếu tính liên kết giữa các địa phương, các bộ, ngành và sự đồng lòng nâng chất lượng dịch vụ du lịch của không ít người dân, doanh nghiệp như nhiều quốc gia khác.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như TPHCM, Hà Nội thường xuyên có các chương trình liên kết, xúc tiến du lịch với các địa phương khác, ký biên bản ghi nhớ với các hãng hàng không để trợ giá, kích cầu du lịch; nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ cứ đến dịp cao điểm nghỉ lễ, tết lại xảy ra tình trạng “thổi” giá phòng khách sạn, “chặt chém” trong dịch vụ ăn uống, vui chơi. Chưa kể, tình trạng mất vệ sinh rất đáng báo động. Mới đây, câu chuyện đoàn khách châu Âu đổi hướng, không tham quan chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) vì nơi này đầy rác thải được xem như lời cảnh tỉnh cho những người làm du lịch ở ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung. Theo nhiều du khách từng đi du lịch Thái Lan, Malaysia..., sẽ rất khó thấy cảnh rác thải vứt bừa bãi, dù đó là các tỉnh vùng sâu, vùng xa hay khu đô thị sầm uất. Còn ở Việt Nam, rất dễ bắt gặp rác thải trôi bồng bềnh trên kênh, sông hoặc các khu du lịch hay trên đường phố.
Mặt khác, nước ta chưa có cơ quan xúc tiến du lịch đặt tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nhiều du khách đến Việt Nam, nên đây cũng là thiệt thòi đáng kể. Trong khi đó, các nước như Thái Lan, Singapore hay một số nước ở khu vực Đông Bắc Á, chính sách phát triển du lịch được thực hiện xuyên suốt, có “nhạc trưởng” là Bộ Du lịch - Thể thao điều hành quyết liệt. Hầu hết các nước này đều có cơ quan xúc tiến du lịch đặt tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam. Các chương trình kích cầu, trợ giá nhiều dịch vụ cho du khách kéo dài, có sự vào cuộc chặt chẽ của các địa phương, nhiều bộ, ngành từ các quốc gia này đã thu hút rất nhiều du khách Việt. Đơn cử, từ cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, hàng loạt tour tuyến khởi hành từ Việt Nam đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… có giá mềm, thậm chí rẻ hơn các tour du lịch trong nước đã khiến khách Việt tấp nập xuất ngoại. Kết quả, chỉ vỏn vẹn 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu du lịch Thái Lan đạt gần 28 tỷ USD; còn thị trường Singapore dự tính đón từ 12-14 triệu lượt khách trong năm nay, với doanh thu từ 14-16 tỷ USD.
Trông người lại ngẫm đến ta, các chuyên gia du lịch khuyến nghị rằng, song song với chính sách visa ưu đãi, giảm thuế giá trị gia tăng và bắt đầu khuyến mãi sâu giá tour, thì Việt Nam cần một chiến dịch thu hút du khách đồng bộ hơn. Một mặt tăng cường quảng bá, đặt các cơ quan xúc tiến du lịch trực tiếp ở các nước; mặt khác từ các địa phương đến các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân cần bắt tay nhau nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, tránh xả rác bừa bãi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà vệ sinh công cộng nhiều hơn, sạch hơn… Muốn hái quả ngọt, mọi người cần chung tay chăm bón cho cây.
Xa hơn, du lịch trong nước nên tiếp tục tập trung đầu tư sâu hơn vào chất lượng để có thể đón dòng khách có mức chi tiêu cao. Việc này sẽ giúp các điểm đến, đặc biệt là các danh lam thắng cảnh, không rơi vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng xấu tới môi trường nhưng vẫn giữ được doanh số cao cho ngành du lịch.
Và cuối cùng, cũng nên tham khảo kinh nghiệm làm du lịch của nhiều nước, đó là Việt Nam nên có “nhạc trưởng” cho ngành du lịch. Vị “nhạc trưởng” này cần có đủ năng lực, quyền hạn, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch khi làm việc với các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan… để qua đó thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững.