Bằng nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người nghèo, đến nay, TPHCM đã có 14 phường được công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, dù còn gần 3 năm nữa chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá (2009-2015) mới kết thúc.
“Bà mối”
Hai vợ chồng và đứa con sinh sống trong căn phòng như cái hộp, cao 2m, rộng chừng 3m2. Chật chội, ra đụng vào chạm khiến chị Nguyễn Thị Chi (39 tuổi, ngụ 325/15 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4) chọn giải pháp an toàn là… chỉ ngồi một chỗ để bảo vệ vết mổ. Đã khổ lại toàn gặp chuyện không may, bệnh tật cứ đeo đẳng. Thu nhập từ việc lượm ve chai của chồng chị, anh Trần Văn Phụng, chỉ đủ cho gia đình dưa cà mắm muối đắp đổi qua ngày. Sau 2 năm chị mổ đại tràng, vợ chồng chị Chi lại chạy vạy ngược xuôi mượn được 3,5 triệu đồng để chị mổ thêm bướu cổ. Thấy cảnh khốn khó của gia đình chị Chi, UBND phường 1, quận 4 đã “làm mối” gia đình chị Chi với một gia đình khá giả gần đó - chị Huỳnh Thị Bích Vân (145A Tôn Thất Thuyết). Gặp nhau, chị Vân liền nhận bảo trợ mỗi tháng 10kg gạo và những thực phẩm cần thiết, san sẻ phần nào khốn khó với chị Chi. Tương tự, 13 hộ gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được 13 hộ gia đình khác tặng trực tiếp thực phẩm hàng tháng cũng như thăm hỏi động viên những lúc tối lửa tắt đèn.
Không dừng lại ở việc chăm lo cái ăn, cán bộ phường còn gõ cửa các mạnh thường quân, giới thiệu về các em học sinh vượt khó học giỏi và trình bày nhã ý mời từng mạnh thường quân đến thăm từng gia đình học sinh với mong muốn họ sẽ giúp cho mỗi gia đình một suất học bổng. Được phường “mai mối”, tận mắt chứng kiến gia cảnh nghèo khó của các em, không ai cầm lòng. Đã có 8 mạnh thường quân nhận trao 8 suất học bổng (500.000 đồng - 1 triệu đồng/suất) đến khi các em tròn 18 tuổi; 24 em khác được nhận các góc học tập (trị giá 300.000 - 600.000 đồng/góc). Ông Trần Hữu Vinh, Chủ tịch UBND phường 1, quận 4 hồ hởi cho biết, cách làm cầu nối để dân giúp dân trực tiếp như trên vừa tế nhị, vừa thực tế và hiệu quả. Phường khỏi mất công lập sổ sách thu - chi tiền – vốn rất dễ mắc điều tiếng dị nghị.
Về đích
Bà Võ Thị Khánh (87/12 Phan Văn Trị, phường 14, quận Bình Thạnh) tâm sự, chồng chạy xích lô, còn bà ở nhà lúi húi với 6 đứa con thay nhau chào đời. Con cái nheo nhóc, thiếu trước hụt sau, nhà cửa lỏng chỏng vài món đồ sinh hoạt kém giá trị. Nhờ 2 triệu đồng phường cho vay ưu đãi, bà có vốn liếng gối đầu làm hạt sen. Ban đầu, bà ra Chợ Lớn mua 2 cây (10kg/cây) hạt sen về cạo trắng, cắt thụt (cắt màng ở đầu hạt), xâu thành từng chuỗi 1.000 hạt (1kg) rồi giao lại kiếm lời. Dần dà bà trả 2 triệu đồng vốn vay ban đầu rồi vay lại 10 triệu đồng. Cứ 5 ngày, bà lại lấy 5 cây hạt sen về rồi rủ các chị em trong xóm cùng làm, lời hơn 100.000 đồng/cây.
Kiên trì làm lụng, giờ đây, bà đã xây dựng được căn nhà khang trang và nuôi các con khôn lớn, lập gia đình riêng. Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Văn Quý nhận xét, bà Khánh cũng như nhiều hộ nghèo các đã có lòng tin, ý chí, chịu khó lao động tăng gia sản xuất. Khi người nghèo có nhận thức đúng đắn, thay đổi nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, ỷ lại cộng với sự hỗ trợ từ xã hội, họ đã tự vươn lên, xem trọng việc học chữ, học nghề. Đó chính là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo. Nhờ đó, phường 14 là 1 trong 14 phường đầu tiên của TPHCM được công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo dưới 12 triệu đồng/người/năm.
| |
Mạnh Hòa