Cuộc cách mạng chất xám ở Trung Quốc

Cuộc cách mạng chất xám ở Trung Quốc

Trung Quốc giờ đây không còn tự bằng lòng với vai trò “công xưởng của thế giới”. Bằng những nỗ lực vượt bậc, nước này đang dần trở thành “nhà máy sản xuất chất xám” lớn nhất hành tinh. Thành phố Thượng Hải chính là nơi mà cuộc cách mạng tri thức của Trung Quốc hiện nay đang diễn ra một cách ngoạn mục nhất.

“Đào tạo từ gốc”

Cuộc cách mạng chất xám ở Trung Quốc ảnh 1

Một góc khu công nghệ cao Zizhu ở Thượng Hải

Là con gái một giáo sư, Peng Minjia có năng khiếu toán học, cô được nhận vào Tongji, trường đại học khoa học-công nghệ danh tiếng của Thượng Hải. Qua mạng Internet, cô đăng ký xin học bổng của Paritech - nhóm các trường kỹ sư của nước Pháp và nhận được 20.000 euro của hãng hóa chất Arkema có chi nhánh ở Trung Quốc để theo học tại Trường Đại học mỏ Paris ENSMP.

Bà giám đốc phụ trách nhân lực chi nhánh này cho hay: “Doanh nghiệp của chúng tôi ở Trung Quốc phát triển rất nhanh, chúng tôi cần người. Ở Pháp, chúng tôi có những kỹ sư người Trung Quốc rất giỏi nhưng lương của họ được tính bằng euro. Vì thế, chiến lược của chúng tôi là “địa phương hóa” nguồn nhân lực”. “Đào tạo từ gốc” là một việc làm mới đối với các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc.

Zizhu Science Park là khu mới nhất trong số 5 công viên công nghệ cao của Thượng Hải. Kể từ khi mở cửa 2003 tới nay, đã có 60 công ty nước ngoài tới “lập trại” ở Zizhu, 80% thuộc lĩnh vực nghiên cứu, với số vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Điển hình trong số này là trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) của hãng Microsoft, với khoảng 1.000 nhân viên nghiên cứu, đi vào hoạt động cuối 2008. Cạnh đó là gần 100 phòng nghiên cứu của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nằm bên bờ con sông Hoàng Phố, ở phía Nam thành phố, Zizhu là một khu công nghệ cao “đời mới” với những tòa nhà lộng kính hiện đại và cảnh quan thân thiện môi trường, không xa “nguồn dự trữ chất xám” của các phòng nghiên cứu là mấy. Thật vậy, ngay phía đối diện, chỉ bị ngăn cách với Zizhu Science Park bởi một đại lộ là “đại campus” của hai trường đại học Jiaotong và East China Normal University (ECNU) với 70.000 sinh viên thuộc các ngành khoa học và công nghệ.

Trung tâm R&D của hãng Omron Nhật Bản chuyên về các thiết bị cảm ứng đặt tại Zizhu chỉ có 10 nhân viên chính thức, số còn lại, khoảng 100 người, đều là sinh viên và giáo sư đến từ các trường đại học.

“Chính phủ xây nhà hát, trường đại học cung cấp diễn viên”

Ông Steven Sun, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Zizhu, ví von: “Trong chiến lược phát triển của chúng tôi, chính phủ là người xây nhà hát, các doanh nghiệp dựng kịch bản, còn trường đại học là nơi cung cấp diễn viên”.

Nhà nghiên cứu miễn dịch học người Pháp Bertrand Favreau làm việc cho Trường Đại học Thượng Hải, đã thành công trong việc hợp tác giữa khoa ông với một doanh nghiệp trẻ chuyên nghiên cứu các loại thuốc mới. Ông nói: “Hiện họ mới chỉ có 300 nhân viên nhưng một năm nữa con số này có thể đã là 1.000! Họ có tiền và cần kiến thức”.

Còn chuyên gia tin học Pierre Haren nhận xét: “Ít người nhận thức được Trung Quốc đã đầu tư nhiều như thế nào vào việc phát triển các chương trình tin học, vì phần lớn các chương trình đó đều bằng tiếng Trung Quốc, không như ở Ấn Độ, tất cả đều bằng tiếng Anh. Trên thế giới, ngày càng khó kiếm ra những nhà toán học giỏi để lập chương trình. Các kỹ sư trẻ phương Tây ngày càng e ngại sự cạnh tranh của Trung Quốc hay Ấn Độ. Lợi thế về nguồn nhân lực rẻ của các nước này không còn kéo dài bao lâu nhưng ở đây khi chúng tôi cần 1 người thì có tới 100 ứng viên”…

He Jifeng, giáo sư danh tiếng Trường ECNU, từng có 15 năm làm việc ở Đại học Oxford (Anh), hiện phụ trách viện nghiên cứu Software Engeneering Institute, ước tính rằng 20% GDP của Thượng Hải là do ngành công nghệ tin học mang lại, nhờ những tiến bộ vượt bậc của ngành giáo dục Trung Quốc.

Trong vòng 5 năm, số lượng sinh viên ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi, là điều ít nước nào làm được. “Khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi được giáo dục tốt thì chúng ta càng dễ có nguồn nhân lực chất lượng cao, đó chính là tài sản tri thức quan trọng”. Năm 2008, Trung Quốc có 5,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, so với con số 1 triệu mười năm về trước.

Nguồn vốn chất xám

Việc tăng số lượng sinh viên trong nước không thể tách rời với một hoạt động khác: Gửi sinh viên ra nước ngoài. Kể từ 1978 - năm mà Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình đề nghị đưa hàng chục ngàn sinh viên du học - tới nay, 1,2 triệu người Trung Quốc đã theo học ở nước ngoài. Riêng năm 2007 có 144.000 người, 80% du học tự túc.

Sinh viên Trung Quốc chiếm tới 26% số bằng tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ được các trường đại học Mỹ cấp trong năm 2006, gấp đôi con số của các sinh viên Ấn, thường theo học các ngành khác. Chỉ  1/4 số “bộ não” xuất ngoại này sau đó trở về nước nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, họ cũng mang lại những điều “ích nước, lợi nhà”.

Ngày càng nhiều công ty đa quốc gia trên thế giới “để tâm” tới các “bộ óc” Trung Quốc. Tiến sĩ Sinh học En Li của Trường Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology), người gốc Thượng Hải, được hãng dược Novatis mời về phụ trách phòng nghiên cứu sinh dược của hãng mới thành lập ở Thượng Hải.

Tiến sĩ Shi Zhengrong, du học ở Australia, về nước năm 2000, hiện là “vua” ngành năng lượng mặt trời. Tiến sĩ Sinh học Isabelle Shi, ở Pháp về, thành lập doanh nghiệp ứng dụng phương pháp carbonate calcium để làm giấy trắng hơn và dễ in hơn, hiện có 60 chuyên viên nghiên cứu và 600 công nhân ở 4 nhà máy…

“Nhiều sinh viên Trung Quốc bây giờ chỉ muốn du học một thời gian ở nước ngoài thôi, bởi họ sợ bỏ lỡ các cơ hội ở trong nước” - ông Shen Wei, chuyên nghiên cứu các vấn đề hải kiều, cho hay. Không ít trường đại học nước ngoài mở cơ sở ở Trung Quốc như Trường Đại học Nottingham ở Ninh Bồ, Trường Liverpool ở Tô Châu… - tất cả đều nằm cách Thượng Hải dưới 100km - dù mô hình này còn cần được xem xét đánh giá thêm.

NHỊ BÌNH (theo Le Monde)
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục