“Cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền

“Cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền

Có dịp vào siêu thị, người tiêu dùng sẽ hoa mắt bởi các dãy hàng toàn mì ăn liền với không biết bao nhiêu nhãn hiệu trên các bao bì sặc sỡ. Mì ăn liền nội phong phú, mì ngoại cũng không kém phần…

  • “Đại chiến” tại các siêu thị

Là một nhà sản xuất, ông Nguyễn Văn Bên, Tổng Giám đốc Công ty Vifon cho biết, quả thật cuộc cạnh tranh trong ngành mì ăn liền ngày càng trở nên khó kiểm soát. Có quá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc thị trường mì “bình dân” khiến cho khu vực này trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt.

Mì bình dân là loại có giá từ 1.000-1.200 đồng/gói. Nếu nhìn vào thị trường, những đại gia như Vina Acecook có hàng chục loại, trong đó nhãn Hảo Hảo đang là chủ lực. Cạnh tranh gay gắt nhất là ở phân khúc thị trường cấp trung bình với các loại mì lẩu Thái, mì xào thịt heo, Đệ Nhất mì gia…

Người tiêu dùng khó nhớ nổi tên vì mỗi hãng có đến vài chục nhãn hiệu, tập trung chủ yếu vào các công ty Vifon, Asia, Unif President, Vina Acecook… Vì vậy, có dư luận rằng “để có được một chỗ tốt trên kệ hàng hóa trong các siêu thị, các nhân viên bán hàng của các công ty đã phải biết điều phải trái” với các nhân viên siêu thị trong khu vực quầy (!?)

“Cuộc chiến” quanh gói mì ăn liền ảnh 1
Đa dạng các loại mì gói trên thị trường. Ảnh: Cao Thăng

Vấn đề mà nhiều người tiêu dùng đặt ra là trong điều kiện giá nguyên liệu tăng cao như vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh mà vẫn có lãi.

Thật ra, gần như nhiều doanh nghiệp sản xuất đã phải chấp nhận giảm lãi để cạnh tranh, nhưng dù có giảm thì vẫn không thể bù đắp với mức tăng trong giá thành. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã dùng chiêu giảm dần trọng lượng mà không làm phật ý khách hàng.

Trước đây, gói mì 1.500 đồng/gói, có trọng lượng tịnh 100 gram, nhưng qua nhiều lần giữ giá bán và giảm trọng lượng, nhiều gói mì hiện nay chỉ có 70 gram. Người tiêu dùng vẫn có cảm giác yên tâm khi có gói mì giá vẫn vậy, tuy sợi mì có ít đi một chút, nhưng cho nước sôi nở ra vẫn thấy… “đầy đầy một tô”.

Với Vifon, do có một thời gian dài tập trung cho xuất khẩu, nên đến nay thị phần mì trung bình bị giảm nhiều, từ chỗ chiếm khoảng 20% thị phần nay chỉ còn khoảng 17%. Ông Bên cho rằng, Vifon đã đi “hơi bị lệch” trong thời gian qua nên bỏ trống sân nhà. Nhiều doanh nghiệp mới ra đời giảm giá và tìm nhiều cách chiếm lĩnh thị trường khá thành công.

Đặc biệt, Công ty Vifon Acecook, liên doanh với Vifon trước đây, đã tập tung đưa các sản phẩm cấp trung bình ra thị trường và thật sự tạo dấu ấn riêng cho đến nay mà vẫn chưa có doanh nghiệp nào qua được, bằng cách đầu tư công nghệ tương đối hiện đại, cách thức tiếp cận thị trường bài bản và chuyên nghiệp, với những dòng sản phẩm từ cao cấp đến bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng.

  • Cạnh tranh được hay không?

Khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành mì ăn liền trong nước có cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực hay không? Câu trả lời là khả năng cạnh tranh tốt.

Các doanh nghiệp hiện đang có những bí quyết công nghệ và có những sản phẩm đặc thù riêng phù hợp với khẩu vị của khách hàng. Trước hết, sản phẩm mì ăn liền của các nước trong khu vực có “gu” khẩu vị riêng nên lúc đầu có thể được người tiêu dùng chú ý dùng thử, nhưng sau đó thường không thích.

Nhiều người chê mì nước ngoài vị nhạt, sợi mì không dai, mùi gia vị nồng không phù hợp… Nhiều doanh nghiệp trong nước đã xác định được thị phần, đối tượng mà mình muốn nhắm đến, nên có những bước đi thích hợp để chinh phục người tiêu dùng, trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp và tăng chất sản phẩm cấp trung bình.

Riêng với Công ty Vifon, để giảm áp lực cạnh tranh, công ty đang nhắm đến nhóm các sản phẩm từ gạo như bún, phở, bánh đa cua… Vifon đã thực sự làm chủ được công nghệ sản xuất các mặt hàng này. Thêm vào đó, Vifon đang là doanh nghiệp duy nhất có công nghệ sản xuất các loại súp như thịt hầm, riêu cua…; có thế mạnh về các loại gia vị tương ớt, Lắc Rắc, bột canh… nên khả năng cạnh tranh khá tốt.

Nhận xét về các đối thủ, ông Bên cho rằng, Vina Acecook vẫn là một doanh nghiệp hiện đang có nhiều thế mạnh công nghệ thiết bị sản xuất, có kinh nghiệm marketing nên khả năng giữ thị phần lớn mì cao cấp là chắc chắn. Vifon, với chính sách mở rộng mặt hàng nội địa cao cấp có thể tăng thêm 10% thị phần.

Trong cuộc chơi này, các doanh nghiệp nhỏ không có chỗ đứng. Nhờ cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ có những đối sách để giữ thị phần trung bình, đồng thời vươn lên đẳng cấp mì ăn liền cao cấp để mang lại giá trị gia tăng. Do vậy, nhu cầu của tất cả các đối tượng tiêu dùng đều được đáp ứng với sản phẩm tốt và giá cả ngày càng mang tính cạnh tranh. 

VĂN THIÊN LỘC

Tin cùng chuyên mục