Cuộc sống bây giờ đòi hỏi phải có “cái TÔI”

Mang những bối rối của bậc làm cha mẹ trong việc hiểu để đồng hành cùng đứa con - mà cái tôi bộc phát mạnh - chúng tôi đã nhận được sự tư vấn thẳng thắn, chân tình và hữu ích của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.
Cuộc sống bây giờ đòi hỏi phải có “cái TÔI”

PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN- Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam:

Mang những bối rối của bậc làm cha mẹ trong việc hiểu để đồng hành cùng đứa con - mà cái tôi bộc phát mạnh - chúng tôi đã nhận được sự tư vấn thẳng thắn, chân tình và hữu ích của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.

* Thưa PGS.TS, các nhà nhân học và xã hội học thế giới nhận định thế hệ 8X, 9X là một “thế hệ tôi”. Điều này hẳn cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Những người lớn tuổi có cái nhìn khắt khe một chút thường nhận định “bọn trẻ bây giờ lười biếng, thích hưởng thụ, ái kỷ, ích kỷ và nông cạn”. Là chuyên gia về tâm lý, ông nhận xét ra sao về điều này?

- Thực ra, cần công bằng với giới trẻ vì giới trẻ ngày nay khá giỏi. Chúng ta sẽ rất bất công nếu chỉ nhìn và phán xét ở một khía cạnh hay một mặt. Đơn giản là không thể vừa ngoan ngoãn mà lại năng động, cũng không thể vừa rất khuôn phép, chừng mực nhưng luôn tự tin và sáng tạo… Hai mặt của một con người nếu hoàn toàn đối lập nhau có thể khiến “vỡ tung” một con người.

Vì thế, chúng ta cần xem xét giới trẻ có những ưu điểm gì để phát huy, khuyết điểm hay hạn chế gì cần điều chỉnh. Dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng giới trẻ ngày nay rất năng động, tự tin, sáng tạo và phá cách. Nhưng không phủ nhận là một số bạn còn thiếu cân bằng và dễ lao về một phía. Bên cạnh đó, tiềm ẩn trong khá nhiều bạn trẻ là sự ích kỷ và cái tôi có phần quá lớn. Những nhận định trên có phần quá khắt khe và thiếu sự công bằng với giới trẻ. Dù rằng, ở một khía cạnh nhất định, những nhận xét trên có thể đúng với một số bạn trẻ hay ở những lát cắt khác nhau trong sự thể hiện của các bạn trẻ.

* Theo ông, nguyên nhân do đâu giới trẻ ngày nay thể hiện “cái tôi” rõ ràng hơn các thế hệ trước?

- Tôi cho rằng, cuộc sống bây giờ đòi hỏi người ta phải có “cái tôi”. Nếu thiếu “cái tôi” thì có lẽ rất nhiều người chẳng là mình. Người ta tuyển dụng, cần người có “cái tôi”. Người ta yêu, cần “cái tôi”, cớ sao không phát huy cái tôi của các bạn trẻ. Tuy vậy, chúng ta nên đề cập về “cái tôi” quá khổ hay “cái tôi” sắc nhọn hoặc “cái tôi” vị kỷ thì có lẽ phù hợp hơn. Một số bạn trẻ ngày nay nghĩ về mình nhiều quá, ít hy sinh, ít kiên trì… Bạn trẻ ngày nay hướng về cá nhân nhiều, thiếu sự cân nhắc trong nhiều mối quan hệ thứ bậc… Tuy vậy, cũng cần xem xét nguyên nhân ở góc nhìn: đó là sản phẩm của xã hội và thời đại, đó là sản phẩm của giáo dục gia đình - lối cưng chiều, đó là kết quả của hàng loạt các tương tác xã hội mà ra… Có thể nhận định sâu hơn về tác động của lối sống công nghiệp, của sự giao tiếp bó hẹp, của sự an toàn thời đại, của sự bù đắp mà cha mẹ đã thực hiện và cho rằng đó là điều hợp lý… và lẽ đương nhiên, kể cả sự thiếu kiên trì, thiếu dung hòa của một số bạn trẻ ngày nay…

* Nhiều ông bố bà mẹ hiện đại ngày nay, qua phương tiện truyền thông, sách báo… dần áp dụng văn hóa phương Tây trong giáo dục con cái, nên dẫn đến trường hợp đứa trẻ quá coi trọng bản thân và quá rạch ròi trong tình cảm?

- Xin đừng quá đổ lỗi cho 2 chữ phương Tây. Chúng ta cần phải học những điều tốt trong văn hóa phương Tây. Nhưng cũng xin đừng thần thánh hóa bất kỳ phương pháp nào. Và hãy hiểu, chính phương Tây đang quay về phương Đông để học tập và giao lưu văn hóa. Trách phương, trách hướng thì sẽ chủ quan ngay. Hàng loạt câu chuyện đầy rung cảm về tình mẫu tử giữa người và người, giữa cha mẹ và con cái, giữa các gương người trẻ đầy tình nhân ái đã làm rung động hàng loạt trái tim sâu sắc… Có đáng để học hay không?

Đối với Việt Nam, “cái tôi” và “cái ta” - tức là cá nhân và cộng đồng - là vấn đề liều lượng. Nếu theo hẳn lý luận phương Tây về cá nhân thì con người cá nhân càng phát triển bao nhiêu, con người càng cô quạnh bấy nhiêu. Nên theo cả 2 giá trị, cái tốt ta tiếp thu, cái xấu ta bỏ đi.

Tuy vậy, nếu chúng ta cho rằng chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà không quan tâm những điều sâu xa thì cũng chẳng giải quyết được… và phải chăng chính chúng ta sẽ là phương Đông thế hệ mới hiện đại hơn cả phương Tây?

Làm thế nào để tìm đến chỗ gặp gỡ giữa cá nhân luận phương Tây và nhân cách luận phương Đông. Người theo cá nhân luận là người có ý thức về sự lựa chọn, do đó có trách nhiệm với mọi người chứ không chỉ có sở thích của riêng mình. Còn người theo nhân cách luận thì chủ trương con người là một bộ phận của tập thể. Tôi có giá trị do tập thể tôi có giá trị.

Tuy nhiên, ở một góc độ nhất định, việc trẻ bị Tây hóa, việc trẻ ích kỷ - nghĩ đến bản thân nhiều hơn, thiếu sự tương tác với gia đình, hướng về mình nhiều hơn là có. Điều này dễ nhận ra từ sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố chứ không hẳn chỉ là giáo dục phương Tây của người mẹ Đông. Vì vậy, chúng ta cũng không nên có cái nhìn thiếu cân nhắc. Thay vào đó, hãy làm những gì cần làm để điều chỉnh từng chút trong tương tác - giáo dục.

* “Cái tôi” nào là tích cực và “cái tôi” nào là tiêu cực, thưa ông?

- Hiện nay, rất nhiều nhà tâm lý học cho rằng, một cá nhân có thể có nhiều “cái tôi”  - một số “cái tôi”  thì tốt, còn một số “cái tôi”  khác thì xấu, một số “cái tôi” trong hiện thực và cũng có một số “cái tôi”  chỉ có trong tương lai. Cụ thể như nhà tâm lý học George Herbert Mead thừa nhận có nhiều “cái tôi”. Ở môi trường xã hội khác, thường xuất hiện những “cái tôi” phù hợp với yêu cầu môi trường xã hội đó.

Với tôi, hiểu đúng về nghĩa cái tôi sẽ làm người ta dễ có bản sắc và người khác cũng có khuynh hướng đánh giá cao hơn về cá nhân đang được đánh giá. Nhưng chắc chắn rằng đừng để cái tôi của ta phình to hay sắc bén đáng sợ. Đừng nghĩ đến mình mà quên rằng mình đang cùng tồn tại với người khác. Đừng chỉ muốn nhận mà không muốn cho hay đừng nghĩ mình là ngôi sao duy nhất nếu không thấy người khác có thể là màn đêm hay ánh mặt trời.

* Khi quan sát một đứa trẻ thì nhận thấy câu “nhân chi sơ tính bản thiện” của tiền nhân quả không sai. Một đứa trẻ thơ, rất sinh động, thật thà, trong trẻo, đặc biệt rất “thắng thắn, công bằng, cầu thị”, nghĩa là dù người lớn có la mắng, nạt nộ thì chúng không bao giờ để bụng. Nghĩa là từ một mầm non tinh khôi như thế lại phát triển theo hướng ích kỷ như ta nói bên trên, thì rõ ràng nguyên nhân là từ giáo dục, cụ thể hơn là từ giáo dục trong gia đình? Vậy cha me, thầy cô, xã hội cần có cách giáo dục tác động như thế nào để mầm non ấy trở thành một cây xanh tốt?

- Hãy làm tốt nhất trong khả năng của mình bằng cách cho trẻ những gì tốt đẹp nhất. Đó là điều kiện dinh dưỡng an toàn, điều kiện tâm lý thoải mái… Ngoài ra, đó là sự ràng buộc bằng tình yêu, sự soi sáng của chuẩn mực gương sáng từ cha mẹ, là sự định hướng làm người biết sống... đã là những nhiệm vụ rất nặng nề...

Ngoài ra, hãy chấp nhận con mình “đang là” từ sớm và thay vì biến đổi con thì hãy động viên con thay đổi. Thay vì cố tình biến đổi trẻ thì hãy chấp nhận trẻ để hướng trẻ cân bằng hơn trong thực tiễn.

* Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Lâm An thực hiện

>> Khi “cái tôi” trẻ hóa và hoang mang

>> “Cái tôi” dưới góc nhìn nhà giáo dục

Tin cùng chuyên mục