Cuối năm đến chúc tết anh Văn

Sau mười năm giải phóng Sài Gòn, các nhà văn ở báo Văn nghệ cùng Hội Nhà văn Việt Nam được lên chúc tết Anh Văn vào cuối năm 1985. Đằng sau nhà là nồi bánh chưng đang nghi ngút lửa, hương lá dong, nếp thơm cộng với mùi khói làm ai cũng nao lòng thấy hương vị tết đã đến gần. Tôi tò mò chạy lại bên bếp, gặp được cô giáo Hà, cô cũng đang chuẩn bị xem qua nồi bánh rồi lên tiếp khách, cô nói với tôi: năm nào cô cũng lo nồi bánh chưng gạo ngon, lá dong bánh tẻ, nấu cho dền để đem biếu hàng xóm.

Tôi nhìn gương mặt phúc hậu của cô hồng lên bên ánh lửa và nhớ có lần anh em nhà văn lên thăm “nhà thơ” Trường Chinh, ông cũng chỉ cặp bánh chưng gói đẹp vuông tám góc do “anh Văn biếu”. Hàng xóm nhà anh Văn là những vị lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Trinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…  Ông đứng trên nghìn vạn quân, nhưng không quên phong tục tập quán ông cha ta: tết đến không quên tổ tiên, gia đình, bạn hữu và hàng xóm quanh ta. Chiều cuối năm Đại tướng tiếp chúng tôi trong phòng làm việc với những tấm bản đồ lớn, trên bàn là đĩa mứt sen, ấm trà  thơm nguyên hương sen tinh khiết. Vẫn là nhà văn Hữu Mai, ông làm việc với Đại tướng bao năm, nhưng ông vẫn hỏi: “Mùa xuân 1975 ta đánh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”… giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, ngoài yếu tố quân dân một lòng xốc tới, ta còn bí quyết quân sự nào? Thưa anh Văn, anh có thể nói cho các nhà văn rõ hơn?”.

Đại tướng cầm cây chỉ bản đồ đưa lên toàn tuyến với những chiến dịch: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng, Nam Ngãi, Pleiku - Kon Tum, Buôn Ma Thuột Tây Nguyên, Phước Long - Tây Ninh, Biên Hòa -  Xuân Lộc - Bà Rịa - Vũng Tàu, Sài Gòn - miền Tây Nam bộ. Sở dĩ chúng ta tiến nhanh thắng nhanh là chúng ta có lực lượng quân đội tại chỗ: Khu 5, Khu 6, Khu 7, miền Đông, đồng bằng miền Tây là khu 9. Chúng ta có những cán bộ chỉ huy 10 năm hoặc hơn 10 năm bắt rễ trong từng vùng. Nước Việt Nam là một, nhiều đồng chí hoạt động hai ba mươi năm, những tướng lĩnh của chúng ta lấy vùng đất chiến trường làm quê hương, họ thông thạo vùng miền hơn các tướng lĩnh Sài Gòn, họ nắm điểm yếu điểm mạnh của đối phương. Trên cơ sở đó, chúng ta tung vào 4 Quân đoàn, với những binh hùng tướng mạnh kết hợp với các quân khu. Thế của ta là tấn công, đối phương là phòng ngự, lập tức chúng ta có thế mạnh gấp bội đối phương khi chúng ta kết hợp được hai thứ quân: Bộ đội địa phương với quân chủ lực, lại được nhân dân nô nức hưởng ứng tham gia nên chiến dịch mùa xuân 1975 tiến đánh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”… Muốn vậy, chúng ta phải chuẩn bị kỹ 20 năm để có mùa xuân đại thắng 1975.

Trước mắt chúng tôi hiện lên những con người hoạt động cách mạng, lấy miền Nam làm quê hương: Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ, những tướng lĩnh lấy đất vùng chiến trường làm quê hương Phạm Văn Trà (miền Tây), Hoàng Minh Thảo (Tây Nguyên), Chu Huy Mân (Khu 5)… và các tướng: Đoàn Khuê, Võ Chí Công, Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Lê Văn Dũng…

Đại tướng dựng cây chỉ bản đồ lên, ông nói: “Ông cha ta đã đánh giặc bằng cả ý chí dân tộc, buộc đối phương từ thế tấn công phải vào thế phòng thủ. Ta phòng thủ để tiến lên tấn công như Lê Lợi đánh quân Minh, ông đã thu nguyên vẹn thành Đông Quan bằng những chiến thắng ở Chi Lăng, Suối Hoa đánh tan quân của Liễu Thăng, Mộc Thạch Qua lịch sử cũng như thực tế ở chiến trường chống Pháp và Mỹ, chúng ta có một bí quyết: Xây dựng lực lượng chính quy cùng với lực lượng tại chỗ, thời cơ đến, chúng ta tung quả đấm thép vào đối phương khi quân dân một lòng đánh giặc, thế nước đã có, chúng ta đánh nhanh thắng nhanh”.

Hôm đó, chúng tôi được đi dạo quanh khu vườn 30 Hoàng Diệu, cùng Đại tướng. Vui với mùa xuân đang tới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạo bản Xô nát ánh trăng cho chúng tôi cùng nghe. Tiếng nhạc, tiếng gió thổi rì rào, tiếng lá reo, âm hưởng của hòa bình vang mãi trong căn nhà 30 phố Hoàng Diệu mà mỗi nhà văn khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều cảm nhận rất rõ.

6-10-2013 xin được thắp nén hương bằng bài viết ngắn.

TRẦN THỊ THẮNG

Tin cùng chuyên mục