Nhằm thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030", ngành giáo dục và đào tạo phấn đấu cuối năm học 2022-2023 có 20% học sinh đạt chứng chỉ tin học quốc tế, 80% giáo viên dạy Tin học đáp ứng yêu cầu dạy học theo chuẩn quốc tế.
Cụ thể, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiến hành rà soát và trang bị, đảm bảo 100% các trường phổ thông có phòng máy tính, trong đó hơn 50% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.
Song song đó, tại các trường tiên tiến hội nhập, có hơn 90% học sinh được học và hơn 40% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông công lập khác, bộ môn Tin học đáp ứng hơn 40% nhu cầu học sinh, trong đó có hơn 20% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Học sinh Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình) trong một giờ học tại phòng máy tính Để thực hiện các mục tiêu đó, Sở GD-ĐT TPHCM hướng dẫn các trường tổ chức dạy Tin học theo chuẩn quốc tế bằng nhiều hình thức như dạy học 2 buổi/ngày, ngoại khóa, câu lạc bộ, dạy học tích hợp, dạy tăng cường tin học, tổ chức trong chương trình nghề phổ thông (lớp 11) hoặc nghề tự chọn (lớp 8) trên cơ sở đáp ứng nhu cầu tự nguyện của học sinh cũng như đồng thuận từ phụ huynh.
Để đủ thời lượng dạy Tin học theo chuẩn quốc tế, đảm bảo thời gian dạy học các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường, các trường có thể kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Các phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm riêng của từng đơn vị, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.
THU TÂM