Cuối năm đi kèm hàng loạt lễ hội lớn nhất trong năm là thời điểm hứa hẹn bùng nổ chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM về một số vấn đề liên quan.
- Phóng viên: Đến hẹn lại lên, cuối năm là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm, cũng là mùa “ăn theo” của các loại hình chợ tự phát, hàng rong trên địa bàn thành phố. Ông nghĩ sao về điều này?
>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Đúng là tình trạng lấn chiếm kinh doanh buôn bán xô bồ, hoặc tụ tập xe ôm, xe khách lâu nay vẫn tồn tại, vẫn chưa thật sự chuyển biến, không chỉ tại các điểm nóng về mất trật tự ATGT lâu nay mà hầu như tại bất cứ nơi nào “ăn khách”, tấp nập người lui tới trên khắp thành phố. Có một hình ảnh quen thuộc đáng buồn, đặc biệt mỗi khi màn đêm buông xuống, đó là phổ biến tình trạng các “tiểu thương” đồng loạt ùa ra lấn chiếm biến lòng lề đường thành mặt bằng giao dịch mua bán trông rất hỗn độn, bát nháo. Tình trạng các tuyến đường bị tái lấn chiếm lòng lề đường về đêm để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí, chợ tự phát, chợ hàng “xôn” và kể cả chợ đêm không phải là hiếm hoi, cá biệt. Sự tái lấn chiếm này một mặt choáng hết lối đi dành cho khách bộ hành, mặt khác gây mất trật tự ATGT khu vực. Trên rất nhiều tuyến đường khắp địa bàn, tình trạng buôn bán hàng rong xem ra đang có dấu hiệu tái bùng phát khi mà thời điểm cuối năm với nhiều lễ hội và Tết Nguyên đán đã cận kề.
Buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vào dịp cuối năm. Ảnh: PHẠM CAO MINH
- Suốt bao năm qua, quyết tâm khắc phục có, chủ trương chấn chỉnh có, nhưng việc cải thiện vẫn rất chậm chạp. Vì sao, thưa ông?
Bao trùm lên tất cả, những tồn tại trong việc triển khai thực hiện chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố có nguyên nhân sâu xa từ chính công tác quản lý nhà nước.
Rà soát trong thực tế, có thể nói rằng chỉ có một vài đoạn tuyến đường mẫu là thật sự đạt chuẩn mẫu, tiêu biểu như đoạn đường Trần Hưng Đạo, từ chợ Bến Thành ra đến giáp ranh quận 5, còn lại hầu hết đường phố, ngóc ngách thành phố trông vẫn rất nhếch nhác. Tình trạng này có phần là do trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan vẫn chưa rõ ràng, từ đó dẫn tới “cha chung không ai khóc”! Nói cách khác, nguyên nhân khiến cho việc chấn chỉnh trật tự đô thị, lấn chiếm lòng lề đường kết quả còn hạn chế, mặc dù chính quyền các địa phương đã nhiều lần ra quân giải quyết, đó là do sự thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết, cũng như còn cả nể.
- Ông vừa nhắc đến chính quyền các địa phương. Vai trò của quận, huyện trong việc chấn chỉnh, đảm bảo trật tự lòng lề đường thế nào?
Năm 2013, các quận huyện đã cam kết, đăng ký với lãnh đạo thành phố, theo đó công tác chấn chỉnh nạn lấn chiếm lòng lề đường tại địa phương sẽ được xem như một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ. Các quận huyện đã cam kết thì phải làm và phải làm tốt công tác này. Nói cách khác, giải quyết tình trạng buôn bán lòng lề đường, vỉa hè một cách tự phát, trước hết là trách nhiệm của chính quyền các quận huyện. Vả lại, theo ý kiến của chúng tôi, đây không phải là chuyện ngoài tầm tay của các quận huyện, bởi chỉ cần tăng cường kiểm tra, xử lý và tuyên truyền là tình hình sẽ chuyển biến. Suy cho cùng, đầu mối nắm rõ, sâu sát địa bàn chính là các địa phương.
- Thế còn dấu ấn của Ban ATGT thành phố trong công tác này ở đâu và thế nào, thưa ông?
Ủy ban ATGT thành phố sẽ thường xuyên phối hợp với các sở ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc để tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, tức là sẽ cố gắng làm tốt chức năng giám sát của mình. Trong công tác này nói riêng và các công tác khác của Ủy ban ATGT thành phố nói chung, chúng tôi cho rằng mấu chốt là ở khâu tuyên truyền, vận động, nói ngắn gọn là sẽ phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để xử lý các vi phạm.
- Cảm ơn ông.
THIỆN NHÂN (thực hiện)