Cưới to

Cưới to

Sinh hạ được 2 đứa con trai, khi đứa đầu tới ngày xây dựng gia đình thì gặp lúc kinh tế gia đình quá khó khăn nên ông bà Tám quyết định tổ chức tiệc cưới cho thằng cả theo hình thức qua quýt. Năm nay, thằng út bước sang tuổi 25 và đòi lấy vợ, mặc dù nhà cũng vẫn nghèo, gạo ăn còn thiếu đói cỡ vài ba tháng trong năm, nhưng ông bà Tám vẫn đi đến một quyết định là tổ chức tiệc cưới cho thằng út thật đàng hoàng, thật to cho bằng chị bằng em, để hàng xóm đỡ cười chê...

Hôm chuẩn bị làm lễ ăn hỏi, bà bảo ông:

- Nhà mình có nhiều nhặn gì đâu, mỗi 2 thằng, thì thằng đầu đã không tổ chức tiệc cỗ bàn, nay thằng út cưới kiểu gì tôi với ông cũng phải làm cho nó linh đình lên chút, thứ nhất là để “trả nợ” dân làng, họ hàng, thứ hai là còn có dịp để mà lấy nợ của thiên hạ bởi tôi và ông đã đi mừng cưới và ăn cỗ bao chỗ, nay người ta cũng phải mang phong bì tới trả nhà mình chứ...

- Bà tưởng tôi không nghĩ như bà sao! - ông Tám kế tiếp khi lời bà Tám vừa dứt. Theo thằng cả hạch toán thì tất tật cả tiền cỗ, tiền mua sắm lễ vật mang nhà gái, tiền mua sắm đồ vật trong phòng cưới cho cô dâu chú rể... mất cỡ gần 100 triệu đồng. Thế bà đã có chỗ nào để vay hay chưa?

- Tôi có biết vài chỗ cho vay lãi ngày, nếu cần thì tôi vay mỗi chỗ vài chục triệu, khi cưới xong, thu phong bì trả đỡ, nếu còn thiếu bao nhiêu sẽ trả dần về sau...

Rồi đám cưới của cậu út con nhà ông bà Tám cũng diễn ra bằng tất tật tiền được ông bà đi vay với lãi suất 4.000 đồng/triệu đồng/ngày. Tiệc cỗ được tổ chức linh đình với trên 100 mâm, ăn rải rác cả vài ngày. Mức độ to tát của mâm cỗ với mấy bát, mấy đĩa cùng vài món tráng miệng lạ cũng khiến không ít nhà hàng xóm phải thầm ghen tỵ. Dân làng sau khi đi ăn cỗ về đã bàn ra tán vào, khi người thì bảo: “Cỗ nhà ông Tám to quá, ăn chả hết!”; không ít người lại nói: “Gớm, cỗ nhà bà Tám to có kém cỗ ở nhà hàng khách sạn ngoài thành phố là bao đâu”...

Không chỉ tiệc cỗ to với nhiều món ăn sang, đắt tiền, mà hình thức tổ chức cưới cũng hoành tráng khi nhà gái cách nhà trai có chưa đầy 3km đường đồng vậy mà ông bà lệnh cho thằng cả phải thuê bằng được chiếc xe ô tô để rước dâu chứ không đi bộ hay đi xe máy. Tiền thuê xe ô tô cũng mất đứt mấy triệu đồng. Ngay cái khoản cho con dâu chút hồi môn cũng vậy, người khác giàu người ta vẫn cho con dâu độ một vài chỉ vàng gọi là hình thức theo phong tục, thế nhưng bà Tám nghèo thế mà bà chơi trội, mua hẳn 5 chỉ vàng  9999 để cho con dâu.

Nói tóm lại, đám cưới cậu út nhà ông bà Tám không to nhất làng thì cũng tầm nhất nhì cái xóm Đông của xã. Ông bà Tám và cả cậu út được phen “đẹp mặt” vì dân làng đều nức nở khen.

Trong cái đêm mà đôi trẻ đang vui vầy, ông bà Tám đã không ngủ vội mà bê thùng tiền mừng cưới ra bóc phong bì và gom đếm xem được bao nhiêu! Hì hục cả mấy tiếng đồng hồ, ông tuyên bố với bà:

- Tôi đã đếm đi đếm lại rất kỹ rồi, cả thảy là được có 47.550.000 đồng.

Bà Tám bảo:

- Sao ít thế nhỉ? Mà ông đã hỏi xem tiền mừng của cả hai chúng nó được bao nhiêu chưa? Kiểu này thì phải bắt chúng nó đưa hết tiền mừng để còn trả nợ chứ không thì chết mất...
Hôm sau, bà Tám gọi riêng thằng con út ra bảo:

- Tiền mừng cưới của bạn bè con được bao nhiêu đưa mẹ để mẹ trả nợ chứ không thì “lõm” nhiều quá những mấy chục triệu đồng.

Rồi thằng con vào hòm lấy đưa bà Tám cỡ hơn chục triệu đồng, nó bảo với bà:

- Đấy, tất tật được ngần ấy, mẹ đem trả nợ đi kẻo lãi cao thế chịu không thấu...

Mặt bà Tám ngẩn ra, buồn thiu và bà mang gần 60 triệu đồng đi trả nợ vài chỗ nhưng vẫn còn thiếu gần 40 triệu đồng nữa. Đến nước này thì vợ chồng ông bà chỉ còn nước khất nợ và cắn răng chịu mức lãi suất gần 40 triệu đồng ấy theo ngày. Với mức lãi 4.000 đồng/triệu đồng/ngày ấy thì vị chi mỗi ngày ông bà Tám phải mất tới 160.000 đồng tiền lãi, mà nếu không lo trả sớm thì lãi mẹ đẻ lãi con là rất nhanh...

“Lõm” ngần ấy tiền khi tổ chức tiệc cưới cho con nhưng ông bà Tám không dám hé răng nửa lời với ai bởi ông bà thừa hiểu rằng nếu kêu ca thì hàng xóm, họ hàng sẽ cười vào mặt cho.
Theo tôi, tổ chức đám cưới tuy là việc lớn nhưng tốt nhất nên biết liệu sức mình, và nên chuyển hướng theo hình thức nếp sống mới, vừa tiết kiệm, không tốn kém mà vẫn chẳng kém phần vui tươi, trang trọng...

Nguyễn Long (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục