Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, để giúp cán bộ đảng viên và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc hơn về quá trình hình thành, phát triển tư duy lý luận và nhận thức chính trị của Đảng ta qua việc xây dựng, ban hành và chỉ đạo thực hiện các Cương lĩnh của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa xuất bản cuốn sách “Cương lĩnh chính trị - Ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của chúng ta” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Cuốn sách gồm 4 phần: Các cương lĩnh chính trị của Đảng từ năm 1930 đến năm 1991; “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và công cuộc đổi mới ở Việt Nam; Sự phát triển nhận thức của Đảng ta từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay; Những định hướng bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991. Nội dung cuốn sách đề cập một cách khái quát, có hệ thống những quan điểm lý luận chính trị cơ bản của Đảng ta thể hiện trong các bản Cương lĩnh Chính trị của Đảng từ năm 1930 đến nay; sự phát triển nhận thức của Đảng qua các giai đoạn cách mạng; những vấn đề đặt ra cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết để không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng trên con đường xây dựng và phát triển đất nước.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã bốn lần ban hành cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh, bao gồm: Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930) thảo luận, thông qua; Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (còn được gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) do đồng chí Trần Phú khởi thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930) thảo luận, thông qua; Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo, được Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) thảo luận, thông qua; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991), được Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) thảo luận và thông qua.
Mỗi cương lĩnh tuy có yêu cầu cụ thể, phản ánh tình hình và phục vụ nhiệm vụ của cách mạng ở mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, các bản cương lĩnh đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, phương hướng và phương pháp của Cách mạng Việt Nam. Mỗi cương lĩnh của Đảng đều có ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn, định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng ta, nhân dân ta
TTXVN