HĐND - kiểm soát quyền lực chính danh
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 dự định sửa Điều 111 Hiến pháp 2013, quy định: “Chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định”.

Theo tôi, ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp xã cũng là cơ quan đại diện cho người dân. Tức là, người dân làm chủ không chỉ thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đại biểu dân cử mà còn thông qua UBND.
Trong khi đó, quyền lực của cấp tỉnh, cấp xã, nhất là cấp xã sau sắp xếp, dự kiến sẽ được giao nhiều thẩm quyền, vì vậy rất dễ dẫn tới việc lạm quyền. Điều đó đòi hỏi việc thực hiện theo nguyên tắc ở đâu có quyền lực, ở đó cần phải có cơ chế giám sát quyền lực là hợp lý. Để hạn chế việc lạm quyền của cơ quan hành chính thì có nhiều cơ chế kiểm soát quyền lực.
Song, việc giám sát và kiểm soát quyền lực của HĐND vẫn là cách mang tính chính danh, quyền lực và đúng với cơ chế hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Nghĩa là, ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó cần phải có HĐND để giám sát, kiểm soát quyền lực của cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, Điều 111 Hiến pháp sửa đổi cần được điều chỉnh thành: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Nước ta đã thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận và phường ở một số địa phương. Qua đó đã tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không như mong đợi và có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Việc thí điểm trước đây là vì bộ máy cồng kềnh, biên chế đông. Tuy nhiên, sắp tới, khi thực hiện sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập cấp xã, các hạn chế trên sẽ được khắc phục. Với thực tế đó, cần tổ chức HĐND ở cấp xã, giúp phát huy thiết chế dân chủ, gần gũi và gắn bó với người dân trên địa bàn, vừa đảm bảo HĐND là tổ chức đại diện cho cử tri, giám sát hoạt động chính quyền cấp xã.
Bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân
đơn cử, giả sử công chức phụ trách cấp phép xây dựng ở phường, xã gây khó khăn cho người dân về quy trình cấp phép, người dân có thể gặp trực tiếp đại biểu HĐND của phường, xã để trình bày và đề nghị đại biểu HĐND có ý kiến với chính quyền. Hoặc một con hẻm trong khu dân cư bị xe chở đất làm hỏng hóc, mưa ngập lầy lội, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng vì nguyên nhân nào đó mà cơ quan hành chính địa phương chưa khắc phục. Khi ấy, người dân có thể gặp đại biểu của mình kiến nghị, phản ánh, đề đạt và các đại biểu HĐND sẽ kiến nghị để cơ quan hành chính ở đó phải có giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, để HĐND cấp xã, nhất là sau sáp nhập, phát huy được vị trí, vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình, cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động. Trước hết, cần đổi mới cách bầu cử, lựa chọn đại biểu để có thể bầu được những đại biểu thật sự có trí tuệ, bản lĩnh, ít hoặc không gắn với các chức vụ bên Đảng, Nhà nước. Đó có thể là những cựu chiến binh, những trí thức, chủ doanh nghiệp ở địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, các vị lão thành cách mạng, chức sắc tôn giáo, cán bộ về hưu… Nếu làm được như vậy, HĐND, đại biểu HĐND sẽ thật sự hoạt động có hiệu quả.
Chiều 26-5, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, tính đến 17 giờ ngày 26-5, đã có 1 bộ gửi báo cáo chính thức và 7 bộ, ngành gửi dự thảo báo cáo về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về Bộ Tư pháp.
ANH PHƯƠNG