Cứu người - Đừng để làm ơn mắc oán

Oan ức “Lục Vân Tiên”
Cứu người - Đừng để làm ơn mắc oán

Đi đường, thấy có người bị tai nạn giao thông (TNGT) đang nguy kịch mà không giúp đưa đến bệnh viện là vô cảm, không có tình người, và đó cũng là hành vi phạm tội “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Nhưng đã có không ít trường hợp cứu người lại vướng vào những rắc rối pháp lý. Chính vì vậy đã phát sinh tâm lý không dám cứu giúp người bị nạn. Vấn đề này dư luận đã bức xúc từ lâu nhưng các cơ quan pháp luật và các bệnh viện vẫn chưa có hướng giải quyết hợp lý và thấu đáo.

Khi xảy ra tai nạn giao thông, nhiều người đứng nhìn, ít người hào hiệp cứu giúp.

Khi xảy ra tai nạn giao thông, nhiều người đứng nhìn, ít người hào hiệp cứu giúp.

Oan ức “Lục Vân Tiên”

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, ông H., chạy xe ôm, nhà ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, giọng sụt sùi kể: đêm

16-11, sau khi chở khách từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Chánh sang phường Phú Thuận, quận 7, lúc quay về trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua ấp 4, xã Bình Hưng, ông H. thấy một nam thanh niên nằm quằn quại bên đường, đầu và tay bê bết máu. Cách đó 2m, chiếc xe gắn máy bị bể bửng, quẹo mâm. Thấy vậy, ông H. dừng xe và ra hiệu cho những người đi đường khác đứng lại hỗ trợ nhưng chẳng ai để ý đến. Khó nhọc lắm mới nâng được người thanh niên ngồi lên xe, rồi chạy thẳng đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5).

Sau khi khai báo với nhân viên bệnh viện về thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, thương tích của người bị nạn, ông H. bước ra định về thì bị một người đàn ông trung niên (xưng là anh ruột người bị nạn) giữ lại. Chẳng thèm nghe ông H. giải thích, nói rõ tường tận sự việc, người đàn ông trên lớn tiếng chửi, rồi đánh vào đầu ông H.. May mà nhiều người trong bệnh viện kịp đến can ngăn, nếu không ông H. đã bị no đòn. “Tưởng xui xẻo đến vậy đã là quá đáng, ai ngờ phiền toái chưa hết.

Sáng hôm sau, vợ người bị nạn gọi điện, đòi tôi phải trả lại 6 triệu đồng, nói là tôi đã giữ giùm số tiền này khi chở nạn nhân đi cấp cứu. Tôi đã giải thích hết lời là chỉ giúp đưa nạn nhân đến bệnh viện, chứ không biết trong người và trên xe nạn nhân có gì. Vậy mà vợ người bị nạn vẫn làm tới, gửi đơn thưa, tôi liên tục bị công an mời đến để tường trình. Bao nhiêu công việc bị trễ nải, danh dự bị xúc phạm, người nhà giận cho rằng mình dại dột. Đúng là làm ơn mắc oán!” - ông H. than thở.

Ông S., giảng viên một trường đại học tại quận 5, cũng lâm vào tình cảnh trớ trêu, khốn đốn như vậy. Trưa 17-9, ông từ nhà ở quận 7 đến trường, khi chạy xe trên đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8), thấy một thanh niên bị TNGT, người gây tai nạn bỏ chạy mất. Ông S. bỏ công việc, vất vả chở thanh niên bị nạn đến một bệnh viện ở quận 5 để cấp cứu. Đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu xong, ông S. vội ra lấy xe để đến trường, nhưng bị bảo vệ bệnh viện giữ lại, ghi biên bản về việc đưa nạn nhân đến bệnh viện và buộc ông phải liên hệ người thân nạn nhân, nếu không liên hệ được thì phải ứng trước tiền để cấp cứu cho nạn nhân.

Chẳng những phải bỏ việc hết cả buổi chiều để cứu giúp người, ông S. còn phải ứng tiền lo chi phí cấp cứu và chịu đựng nhiều phiền toái sau đó. Gia đình của người bị nạn còn không thèm trả lại tiền ông đã đóng cho bệnh viện và còn hậm hực cho rằng chính ông là người gây ra tai nạn. Ông S. bức xúc: “Tại sao người ra tay cứu giúp nạn nhân lại phải chịu phiền hà như vậy? Việc các bệnh viện làm khó người cứu giúp nạn nhân thật vô lý và khiến người ta phải thờ ơ, không cứu giúp người bị nạn”.

Cứu người - Việc nên làm

Khi được hỏi về việc bệnh viện làm khó đối với người cứu giúp, đưa nạn nhân đến cấp cứu, các cán bộ chức trách liên quan tại một số bệnh viện thừa nhận đúng là có nhiều trường hợp người giúp đưa nạn nhân bị TNGT đến bệnh viện gặp phải tình huống oái ăm, như phải làm biên bản tường trình, bị người thân nạn nhân nghi là người gây tai nạn và bị buộc trả tiền điều trị…, nhưng để khắc phục, giải quyết thấu đáo thật không đơn giản.

Theo bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, việc người giúp đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu nên thông cảm khi phải ở lại cung cấp thông tin cho bệnh viện, vì đây là cần thiết, và điều này đã được pháp luật quy định. Mục đích đầu tiên là để các bác sĩ có thể tiên lượng được mức độ thương tích để có phương án cấp cứu phù hợp, bởi có nhiều trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu không nói được. Ngoài ra, bệnh viện cũng có trách nhiệm nắm thông tin về người thân của nạn nhân và xác nhận người gây tai nạn để cung cấp cho công an trong quá trình điều tra (nếu có, với những vụ tai nạn nghiêm trọng); xác nhận tài sản giữ của người bị nạn (nếu có).

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng phải cấp cứu, dù có hay không có người thân của nạn nhân, bệnh viện vẫn cấp cứu, tiến hành đầy đủ các quy trình cứu chữa. “Việc cứu người gặp nạn là việc nên làm và phải làm của mỗi người. Do đó, nếu gặp chút phiền hà, mất chút thời gian, cũng mong những người đã hào hiệp giúp đỡ cũng thông cảm. Về phía bệnh viện, chúng tôi đang nghiên cứu để cải tiến, có cách tiện lợi nhất, hợp tình, hợp lý để những “Lục Vân Tiên” không gặp chuyện phiền hà.

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục