Quận 5 trả lời những khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông:
Thời gian vừa qua, nhiều tiểu thương chợ An Đông đã gửi đơn thư đến các báo, đài và cơ quan chức năng phản ánh những bất hợp lý trong việc sửa chữa, nâng cấp chợ, thu tiền sạp, ký hợp đồng với tiểu thương. Ông Nguyễn Võ Xuân Kỳ, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND quận 5, và ông Nguyễn Chí Trung, Phó ban Quản lý chợ An Đông, đã có cuộc trao đổi, trả lời với phóng viên Báo SGGP.
PHÓNG VIÊN: Tiểu thương phản ánh việc cải tạo hệ thống cấp - thoát nước và 4 nhà vệ sinh lên đến 11,3 tỷ đồng, trong đó chi phí thuê tư vấn, thiết kế lên đến 1,8 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng mức đầu tư, là bất hợp lý. Chưa kể, 2 hạng mục trên không rõ có đấu thầu hay không cũng không được công khai…
Ông NGUYỄN VÕ XUÂN KỲ: Sau khi xem xét, quận khẳng định chi phí này là không cao, đồng thời thực hiện theo các nghị định, thông tư cũng như các định mức mà Bộ Xây dựng quy định. Cụ thể, tổng chi phí tư vấn, giám sát là 825 triệu đồng. Riêng tiền dự phòng phí là khoảng 1 tỷ đồng, số tiền này là theo đúng cơ cấu tổng mức đầu tư theo quy định. Về công khai các đơn vị trúng thầu xây lắp, thi công phần điện là Công ty TNHH Huy Long (quận Phú Nhuận), cải tạo hệ thống cấp thoát nước và nhà vệ sinh là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5, không có chuyện chỉ định thầu, mà thực hiện theo đúng Luật Đấu thầu.
Toàn bộ cửa sổ mặt tiền chợ An Đông đã bị vỡ kính nhưng không được sửa chữa, nâng cấp
Về việc ký lại hợp đồng, tiểu thương phản ánh rằng phải đóng tiền trước, 7 ngày sau mới nhận được hợp đồng và nội dung có những điều khoản bất lợi cho tiểu thương, không đúng theo các điều khoản được quy định trong Bộ luật Dân sự, ông nghĩ sao?
Ông NGUYỄN VÕ XUÂN KỲ: Việc dự thảo hợp đồng mẫu, quận làm rất kỹ. Trước tiên, chúng tôi mời 63 tổ trưởng ngành hàng đến góp ý về mẫu hợp đồng. Mặt khác, mẫu hợp đồng cũng được gửi đến 4 sở liên quan (Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương) và 4 sở đều có văn bản phúc đáp. Sau đó, 3 đại diện tiểu thương, cụ thể là chị Trần Thị Thu Thùy (sạp D 11-12-13 tầng trệt), ông Đỗ Hải Nguyên (sạp H 28 tầng trệt) và bà Vũ Thị Bạch (sạp K1.2) đồng ý ký vào mẫu hợp đồng và được niêm yết mẫu tại 3 địa điểm: Văn phòng Ban quản lý, ở tầng hầm và sảnh chợ) và Ban quản lý còn thông tin trên loa phát thanh cho tiểu thương biết.
Tiểu thương vẫn bức xúc vì sao đây là chợ truyền thống mà tiểu thương phải ký hợp đồng “đóng tiền thuê sạp”, trong khi tại các chợ khác như Bến Thành, Bình Tây… họ chỉ phải đóng tiền có một lần và được xác lập quyền sử dụng?
Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG: Chợ An Đông là chợ truyền thống, được nâng cấp lên trung tâm. Nâng cấp thôi và trước đây, Công ty Việt Hoa là đối tác để xây dựng trung tâm và thực hiện sang nhượng sạp trong 20 năm (1991-2011). Trong hợp đồng lúc ấy có nói rõ “Sau khi kết thúc 20 năm sẽ tái ký hợp đồng” và trong hợp đồng mới ghi rõ tiểu thương có quyền sang nhượng, cầm cố nên nói không có quyền sử dụng là không đúng. Vấn đề hiện nay là mẫu hợp đồng giữa các chợ không thống nhất và chúng tôi đã kiến nghị thành phố nghiên cứu để có mẫu hợp đồng chung. Bà con đôi khi chưa hiểu rõ yếu tố pháp lý: Đây là quyền sử dụng có thời hạn, không có quyền sở hữu.
Ông NGUYỄN VÕ XUÂN KỲ: Chủ tịch UBND quận không có chỉ đạo tôi trả lời câu hỏi này, tuy nhiên tôi có thể nói rằng việc tiếp tục ký hợp đồng và thu tiền là thực hiện đúng theo Nghị định 02/2013 về phát triển, quản lý chợ và Thông tư 67 ngày 11-7-2003 của Bộ Tài chính về cơ chế quản lý chợ. Quận đã có nhiều kiến nghị với thành phố, trong đó đề nghị thống nhất mẫu hợp đồng và vấn đề quyền sử dụng hay sở hữu. Vì còn vướng 2 điều này nên một số bà con cứ so bì giữa chợ này với chợ kia. Qua cuộc trao đổi này, mong bà con hiểu và quận đã làm đúng những quy định của pháp luật n
THƯ LÊ (thực hiện)