Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học, cao đẳng NCL. Trên cơ sở kết quả của hội nghị, Bộ GD-ĐT sẽ có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để tiếp tục phát triển các trường NCL.
Sinh viên ngoài công lập ngày càng giảm
Sau 20 năm, hiện cả nước có hơn 80 trường đại học-cao đẳng NCL. Các trường NCL chiếm 1/5 số trường ĐH-CĐ cả nước và chiếm gần 1/7 số sinh viên cả nước (khoảng 14%). Con số này ở Malaysia là 60%, Hàn Quốc là 67% và đều cao hơn Việt Nam nhiều lần ở các quốc gia khác. Giáo dục đại học NCL phát triển rất chậm so với mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nói phát triển như thế là quá nhanh, không bảo đảm chất lượng. Và hơn hết, lâu nay, khi nói đến đại học NCL, xã hội đều cảm thấy bất an, nhìn vào những tiêu cực. Đã có những địa phương nói không với tuyển dụng sinh viên NCL.
"Nếu không làm tốt giáo dục thì đất nước không thể phát triển. Phải cải cách triệt để nền giáo dục. Khâu giáo dục nghề nghiệp cần phải cải cách nhiều, nhất là ĐH-CĐ, vì so với phổ thông, hệ ĐH-CĐ còn nhiều bất cập. Phải có chương trình đổi mới rõ hơn đối với ĐH-CĐ. Phải xem lại giáo dục đại học đã làm được gì. Phải chuẩn bị tốt nguồn lực để hội nhập. Năm 2015, ASEAN là một thị trường thống nhất về mọi mặt, kể cả thị trường lao động. Vậy chúng ta đã chuẩn bị được gì để bước vào thị trường lao động đó?" Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình |
Từ 15 trường thành lập đầu tiên, đến nay về cơ bản đã có trụ sở khang trang. Những năm sau này, những trường thành lập có điều kiện hơn, trong một vài năm đã hoàn tất trụ sở, như ĐH Tân Tạo, Quốc tế miền Đông, FPT… Một số trường đã có sinh viên quốc tế đến học (Quốc tế miền Đông, FPT, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội…). Điều đó khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước là đúng, có điều kiện để phát triển. Nhiều mô hình NCL đã được khẳng định. “Nhưng xã hội lâu nay chỉ nhìn vào yếu kém, tiêu cực của NCL, còn những thành tựu thì ít được nhắc đến dù Nhà nước không tốn một xu nào cho giáo dục đại học NCL”, GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại học - Cao đẳng NCL, phàn nàn.
Nhưng chính cộng đồng các trường đại học NCL cũng phải thừa nhận, định kiến đó bắt nguồn từ chính hoạt động của các trường NCL. Hiện còn khoảng 15 trường khó khăn, trong đó có một số trường làm ăn không bài bản, sai phạm, đánh mất môi trường sư phạm như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định. Chính bản thân những người làm giáo dục đại học NCL cũng ngán ngẩm cách làm của một số trường. “Trường ĐH Lương Thế Vinh lên xin tôi cho mượn tên một số GS, TS để đối phó với đợt kiểm tra của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Thành Đông lên xin tôi cho 50 sinh viên để về đào tạo. Tôi cho hết nhưng chẳng có em nào chịu về đó học. Vì họ có gì đâu mà đào tạo”, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH kinh doanh và công nghệ Hà Nội, kể.
Mặc dù vậy, GS Trần Hồng Quân vẫn đòi truy trách nhiệm: “20 năm, giáo dục NCL phát triển lay lắt, ai chịu trách nhiệm? Nếu cứ theo chiều hướng này, tỷ lệ sinh viên NCL sẽ tiếp tục giảm. Sứ mạng giáo dục đại học nói chung về việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước cũng không hoàn thành, điều đó quy trách nhiệm cho ai”?
Bớt bao cấp trường công?
Một lần nữa, cộng đồng các trường đại học NCL chỉ ra có những chủ trương, chính sách “đẹp như mơ” đã không được thực hiện như cấp đất sạch cho dự án xây dựng trường học, cho vay vốn ưu đãi... Từ thực tế trên, các trường NCL kiến nghị Nhà nước cần thay đổi chính sách về đào tạo. Theo đó, không được bao cấp chi phí đào tạo cho trường công mà nên để trường công được phép thu học phí để bù chi phí đào tạo; Nhà nước sẽ đặt hàng để đào tạo không kể công lập hay NCL. “Đây là thay đổi đột phá, thực chất là xã hội hóa ngay trong trường công. Trong trường hợp này, sẽ có sự cạnh tranh về học phí. Học phí trường công và trường tư sẽ bình đẳng trong cạnh tranh vì Nhà nước không cấp chi phí đào tạo nữa”, GS Trần Hồng Quân đề xuất. Đây cũng là hướng đổi mới về cơ chế tài chính cho giáo dục mà Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Trung ương. Nhà nước không thể, không đủ sức bao cấp 70% chi phí đào tạo cho đại học. Phải để nhân dân đóng góp chi phí đào tạo con em mình, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương phát biểu.
Có 3 kiến nghị cụ thể đã được Hiệp hội Đại học NCL nêu ra. Thứ nhất, Nhà nước cần triển khai thực hiện Nghị định 69 về chính sách hỗ trợ đất đai, thuế, chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường NCL. Thứ hai, thực hiện Luật Giáo dục đại học, giao tuyển sinh cho các trường, không có điều kiện, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm giám sát chất lượng đào tạo của các trường. Thứ ba, cho phép các tổ chức thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, hiệp hội sẵn sàng để thành lập trung tâm kiểm định giáo dục độc lập ngoài nhà nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, sự đóng góp của ĐH-CĐ NCL là rất quan trọng. “Đầu năm 2014, sẽ ban hành khung trình độ quốc gia, quy định cụ thể các bậc đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường lao động, chuẩn bị cho việc mở cửa thị trường lao động khu vực ASEAN vào năm 2015. Theo đó, dù học công hay tư đều phải đáp ứng khung trình độ quốc gia để bảo đảm cơ hội việc làm. Lúc đó, đại học công lập và NCL sẽ bình đẳng”, ông Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập trung tâm kiểm định giáo dục độc lập của Đại học Quốc gia Hà Nội với những tiêu chí kiểm định độc lập, không phân biệt trường công hay tư, tạo cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt giữa các trường. Cần phải nhìn nhận một sự thật: Đã có nhiều trường NCL có uy tín, cạnh tranh tốt với trường công lập. Nhưng phải trả lời được tại sao thí sinh nhiều mà họ không vào học trường NCL. Cần bàn một cách công khai, thẳng thắn để tìm nguyên nhân từ đâu, từ cơ quan quản lý, từ quan niệm xã hội hay từ chính các trường?
PHAN THẢO