Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới hiện nay, thị trường ngày càng có nhu cầu cao về đội ngũ nhân lực có trình độ. Vì vậy, các trường đại học - nơi cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội - đang đứng trước đòi hỏi bức thiết phải chuyển đổi mạnh mẽ nhằm tạo ra nguồn nhân lực, không những đáp ứng các yêu cầu về năng lực của giai đoạn mới mà còn đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo ra những giá trị mới cho các ngành và toàn xã hội.
Những tồn tại, yếu kém của GDĐH Việt Nam hiện nay chúng ta đều đã nhìn thấy rõ: lực lượng lao động đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở GDĐH. Hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho GDĐH; cơ chế tài chính ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững… Những hạn chế này trở nên thách thức hơn khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu; khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học; khi nhiều công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học với sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến và khi tự do thương mại, dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về cung - cầu nguồn nhân lực bậc cao giữa các quốc gia, trước mắt là trong cộng đồng ASEAN.
Theo các chuyên gia giáo dục, GDĐH nói riêng cũng như hệ thống giáo dục của chúng ta nói chung trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp cận theo hướng hội nhập để từng bước hội nhập toàn cầu. Riêng đối với GDĐH càng cần đi trước vì nguồn nhân lực tới đây phải có tính toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa, các trường đại học của Việt Nam phải thực sự hội nhập với GDĐH quốc tế, không thể mãi đứng tách rời các chuẩn đại học quốc tế.
Nhưng xây dựng một trường đại học Việt Nam đạt chuẩn thế giới dường như là khát vọng còn xa vời khi hiện nay trên bảng xếp hạng GDĐH của thế giới vẫn vắng bóng tên các trường đại học Việt Nam. Mục tiêu phấn đấu của GDĐH Việt Nam là vào năm 2020, có hơn 10 trường đại học Việt Nam vào nhóm 400 đại học châu Á; 1 - 2 trường vào nhóm 100 châu Á và 1 - 2 trường vào nhóm 1.000 thế giới. Quyết tâm xa hơn, đến năm 2025, Việt Nam phải có vài trường vào nhóm 500 thế giới. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng mục tiêu phấn đấu đó dường như bất khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Vừa qua, khi tuyên bố bước chân vào lĩnh vực GDĐH, Tập đoàn Vingroup cho rằng, với việc thành lập Đại học VinUni và việc ký kết hợp tác với Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ, Vingroup sẽ xây dựng VinUni là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, tích hợp các mô hình tinh hoa của GDĐH thế giới. Tuyên bố này mang đến niềm hy vọng cho nhiều người, bởi đây là tập đoàn có thực lực, lại bắt đầu việc xây dựng trường đại học bằng cách ký kết hợp tác với 2 trường đại học thuộc tốp 20 thế giới. Tuy nhiên, tuyên bố thôi chưa đủ, xã hội đang chờ ở những bước hành động tiếp theo của một trường đại học mang kỳ vọng đạt chuẩn quốc tế, vì thực tế trong vài năm gần đây cũng đã có một số trường đại học được xây dựng với kỳ vọng tạo ra đột phá trong chất lượng GDĐH Việt Nam và đóng góp cho đất nước trường đại học đạt chuẩn thế giới, nhưng đến nay kỳ vọng ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Dù là đầu tư của Nhà nước hay tư nhân, chúng ta đều hy vọng sẽ có không chỉ một mà nhiều trường đại học chất lượng, tuyển chọn và đào tạo ra nguồn nhân lực tinh hoa, có trình độ, kỹ năng, có vốn sống và khát vọng cống hiến, đóng góp vào sự thịnh vượng của bản thân, của xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế và hướng tới cạnh tranh toàn cầu. Nhưng để xây dựng, phát triển một đại học đạt chuẩn quốc tế, có rất nhiều việc phải làm. Ngoài đầu tư có trọng điểm của Nhà nước cho các trường đại học công lập hay tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế cho các nhà đầu tư phát triển GDĐH chất lượng cao thì về mặt học thuật, GDĐH phải tuân thủ chuẩn quốc tế. Theo khuyến nghị của GS Jan A de Roos (Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson, Đại học Cornell, Hoa Kỳ) đầu tiên phải xây dựng giáo trình, xây dựng các khoa, tiêu chuẩn các lớp học và đều phải hướng tới chất lượng đào tạo cao nhất. Mỗi chương trình sẽ phải được một tổ chức kiểm định tầm quốc tế kiểm định. Mặt khác, theo GS Mark Campbell, Hiệu trưởng Trường Cơ khí và kỹ thuật không gian Sibley (Đại học Cornell), trường đại học cần kết hợp với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo để tạo ra một thế hệ sinh viên có thực tiễn, làm được việc khi ra trường chứ không chỉ là những kiến thức hàn lâm xa rời thực tế. Nói cách khác, sinh viên Việt Nam thế hệ mới phải là những công dân toàn cầu, có kiến thức, kỹ năng thực hành, biết ngoại ngữ để có thể tham gia vào chuỗi công việc đa quốc gia.
Dù nhanh hay chậm, đại học Việt Nam phải hướng đến đạt chuẩn quốc tế. Chỉ khi làm được điều đó, GDĐH Việt Nam mới thực hiện được sứ mệnh của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.