Đại học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Chiều 14-12, Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo - Tọa đàm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Một lần nữa, vấn đề tự chủ đại học lại được nêu lên như là chìa khóa để đổi mới giáo dục đại học thành công.
Đại học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Chiều 14-12, Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo - Tọa đàm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Một lần nữa, vấn đề tự chủ đại học lại được nêu lên như là chìa khóa để đổi mới giáo dục đại học thành công.

  • Các trường ĐH phải được đối xử bình đẳng

GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng đổi mới giáo dục đại học trước hết phải đổi mới mô hình, nội dung chương trình đào tạo vì “nếu không đổi mới mô hình đào tạo thì đổi mới giáo dục đại học sẽ chỉ bắt đầu từ nóc”. Thực tế, ĐH Bách khoa Hà Nội đổi mới mô hình đào tạo từ năm 2009 và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trường đang triển khai các loại hình đào tạo đa dạng gồm 12 chương trình cao đẳng, 48 chương trình cử nhân, 50 chương trình kỹ sư, 58 chương trình thạc sĩ, 58 chương trình tiến sĩ. Và mấy năm gần đây, trường tuyển sinh ĐH theo nhóm ngành và triển khai các chương trình đào tạo song ngành, song bằng, đang rất được sinh viên ưa chuộng. Đổi mới đã tạo ra khí thế mới cho nhà trường. Tuy nhiên, trường vẫn mong muốn được tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện hơn. “Chúng tôi muốn được tự chủ về tài sản công, tự chủ về học phí cũng như các cơ chế ưu đãi khác phục vụ sự phát triển của trường. Học phí hiện nay quá bất cập, thu không đủ chi. Nhà nước không nên bao cấp cho giáo dục nghề nghiệp. Học phí ĐH cần được tính đúng tính đủ vì người học phải đầu tư cho tương lai của mình” - GS Nguyễn Trọng Giảng kiến nghị.

Sinh viên Khoa xây dựng Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực tập trắc địa. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Khoa xây dựng Trường Đại học Bách khoa TPHCM thực tập trắc địa. Ảnh: MAI HẢI

PGS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT là cơ hội lớn để thay đổi chất lượng giáo dục đại học. Điểm xuất phát là cần đổi mới từ hệ thống bằng cấp và mô hình đào tạo, vì đây là nền tảng cốt yếu và động lực cho đổi mới cơ bản và toàn diện. Thực tế, bằng cấp của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là khi dịch ra tiếng Anh, rất khó để chuyển đổi liên thông trong nước và quốc tế, khó được thế giới công nhận.

PGS Hoàng Minh Sơn cũng nhấn mạnh, cần bình đẳng giữa các loại hình trường trên cơ sở như với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. Đầu tư cho các trường có thể là Nhà nước hoặc tư nhân, nhưng giá trị pháp lý và nghĩa vụ các trường phải như nhau. Để tránh cào bằng, việc phân bổ vốn đầu tư của Nhà nước phải dựa trên đặt hàng của Nhà nước và năng lực của các trường. Phải xây dựng hành lang pháp lý để xóa bỏ các đặc quyền, độc quyền. Các trường phải được đối xử bình đẳng.

  • Cần gấp rút giao quyền tự chủ ĐH

Các đại biểu đều thống nhất, tự chủ ĐH là chìa khóa cho đổi mới quản lý ĐH. Sự phân cấp tự chủ cho các trường sẽ phát huy sức mạnh tối đa cho cả hệ thống. Nhà nước không cần làm nhiều việc, chỉ cần tạo cơ chế để các trường phát triển. Phương tiện đi nhanh nhất đến mục tiêu đổi mới toàn diện, căn bản GD-ĐT chính là tự chủ ĐH cộng với cạnh tranh bình đẳng. Cần luật hóa các quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường. Xây dựng lộ trình để tất cả các trường tự chủ.

Sinh viên khoa kiến trúc xây dựng Trường Đại học dân lập Văn Lang thực hành vẽ đồ án nhà ở. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên khoa kiến trúc xây dựng Trường Đại học dân lập Văn Lang thực hành vẽ đồ án nhà ở. Ảnh: MAI HẢI

Nhiều ý kiến cũng cho rằng tự chủ phải đồng nghĩa với tự chủ tài chính. Cần xây dựng cơ chế cho phép các trường khai thác sử dụng các nguồn lực khác như kinh phí hợp đồng đào tạo, nghiên cứu theo đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp, kinh phí tài trợ, lợi nhuận đầu tư... Song song đó cần xây dựng các cơ chế quản lý và giám sát của Nhà nước, trong đó có các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia như chuẩn năng lực đầu vào, chuẩn các điều kiện bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra; hệ thống bảo đảm chất lượng và báo cáo công khai của các trường. Cùng với đó, tăng cường các cơ quan kiểm định độc lập, cơ quan quốc gia điều tra năng lực/khả năng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát trực tiếp của Bộ GD-ĐT.

PGS Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng, sự bao cấp của Nhà nước đã mang đến sự trì trệ cho các trường. Không có quốc gia nào tiến hành bao cấp hết cho các trường ĐH. Cần để các trường linh động trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp, tránh tình trạng như hiện nay là người giỏi ở các trường bị hút về công ty nước ngoài, sinh viên giàu có đổ xô đi học nước ngoài. Những bất cập trong quản lý hiện nay đối với giáo dục đại học đã gây ra nhiều hệ lụy. Các trường bị trói buộc bởi cơ chế quản lý lạc hậu. Vì vậy, PGS Nguyễn Cảnh Lương cũng cho rằng cần gấp rút giao quyền tự chủ nhưng trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm sự phát triển ổn định, chưa thể giao quyền tự chủ ngay cho toàn bộ hệ thống. Thay vào đó cần thí điểm cho một số trường có năng lực và tự nguyện, sau đó mới rút kinh nghiệm nhân rộng.

Phát biểu kết luận hội thảo - tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, đổi mới GD-ĐT trong đó có giáo dục đại học là yêu cầu cấp bách nhưng đòi hỏi phải triển khai chặt chẽ, đồng ý giao tự chủ cho các trường nhưng phải có lộ trình. Đổi mới giáo dục đại học phải đồng bộ ở tất cả các khâu, trong đó có đổi mới ngành học để đáp ứng yêu cầu phát triển. Bộ sẽ thiết kế khung luật để các trường đổi mới thành công. Trường nào đào tạo có chất lượng, giữ được thương hiệu, uy tín sẽ được tự chủ hoàn toàn. Ngược lại, trường nào đào tạo kém chất lượng sẽ bị đào thải. Giao tự chủ nhưng trường nào vi phạm sẽ bị thu hồi quyền tự chủ.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục