Đại học Quốc gia TPHCM - Vững vàng tuổi 20

Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM được Đảng và Nhà nước giao quyền tự chủ cao với sứ mệnh giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam. Trên tinh thần đó, 20 năm qua, ĐHQG đã khẳng định vị trí chiến lược trong một hệ thống giáo dục ĐH đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của đất nước.
Đại học Quốc gia TPHCM - Vững vàng tuổi 20

Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM được Đảng và Nhà nước giao quyền tự chủ cao với sứ mệnh giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam. Trên tinh thần đó, 20 năm qua, ĐHQG đã khẳng định vị trí chiến lược trong một hệ thống giáo dục ĐH đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của đất nước.

Đại học Quốc gia TPHCM luôn đi đầu trong việc gắn chặt đào tạo với nghiên cứu.

Khẳng định vị thế

Hiện nay ĐHQG TPHCM gồm 6 trường ĐH thành viên, 1 viện nghiên cứu, 1 khoa, 1 trường THPT và nhiều trung tâm trực thuộc với gần 6.000 cán bộ giảng viên ký túc xá (KTX) của ĐHQG TPHCM có diện tích và quy mô lớn, đáp ứng khoảng 60.000 chỗ ở cho sinh viên ĐHQG TPHCM và một số trường ĐH phía Đông Bắc của TPHCM. Quy mô đào tạo hiện nay hơn 50.000 sinh viên.

Cùng với nguồn lực con người, định hướng đúng đắn, cơ sở vật chất tương xứng với tầm phát triển, ĐHQG TPHCM đã phát huy ưu thế đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo cũng như tạo những đột phá trong nghiên cứu khoa học. Trong đào tạo, hiện nay ĐHQG TPHCM mỗi năm cung cấp cho xã hội gần 15.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực hàng đầu như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu. ĐHQG TPHCM là đơn vị duy nhất ở miền Nam chuyên đào tạo và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn, là lựa chọn hàng đầu của sinh viên, bao gồm cả sinh viên ĐH và sau ĐH trên cả nước. Hơn nữa, ĐHQG TPHCM còn là chiếc nôi đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài trong các cuộc thi quốc tế trên nhiều lĩnh vực như toán học, hóa học, vật lý, khoa học máy tính và sinh học… 

Trong khu vực ASEAN, nhiều chương trình đào tạo ở các trường ĐH thành viên của ĐHQG TPHCM đều được mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) công nhận đạt chuẩn kiểm định. Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa có 2 ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính đạt mức 3 (mức cao nhất) của chuẩn kiểm định ABET (Hội đồng kiểm định khối ngành kỹ thuật và công nghệ của Hoa Kỳ). 

Đối với nghiên cứu khoa học, ĐHQG TPHCM đã đạt được những bước đột phá ngoạn mục trong các kết quả nghiên cứu cũng như chuyển giao công nghệ để ứng dụng phát triển kinh tế - xã hội. Doanh thu chuyển giao công nghệ trong những năm gần đây tăng mạnh: Năm 2011 doanh thu đạt 112,1 tỷ đồng; năm 2012 đạt 168,3 tỷ đồng và năm 2013 đạt 195 tỷ đồng. Đáng nói hơn, trong những năm qua, các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng luôn bám sát các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của TPHCM, tập trung vào những vấn đề cần giải quyết theo đơn đặt hàng của thành phố như phát triển công nghệ vi mạch, giảm ùn tắc giao thông, chống ngập đô thị…

Vững vàng hội nhập

Khoảng thời gian 20 năm không thể so sánh với những ĐH có lịch sử 50 năm hay 100 năm, nhưng những gì ĐHQG TPHCM đã đạt được xứng đáng với vị trí đầu tàu cũng như sự kỳ vọng của đất nước. Với vị trí tiên phong, có thể nói chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQG TPHCM đã dần khẳng định được vị trí và thương hiệu trên bản đồ thế giới.

Chủ trương bước vào sân chơi lớn đã được đặt ra từ rất sớm và hiện nay ngày càng đẩy mạnh hơn. Theo chiến lược phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2020, ĐHQG TPHCM sẽ trở thành ĐH nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ và tập trung phát huy tiềm lực khoa học để tạo ra những sản phẩm có tính khoa học và thực tiễn cao. Đồng thời, khẳng định chất lượng đào tạo đạt chuẩn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hiện đã có 4 trường thành viên triển khai đào tạo theo công nghệ CDIO (công nghệ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội theo chuẩn mực chất lượng quốc tế).

Hiện ĐHQG TPHCM đã đầu tư 25 phòng thí nghiệm với tổng kinh phí hơn 530 tỷ đồng, hình thành và kết nối hệ thống 60 phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ - đào tạo. Đặc biệt, ĐHQG TPHCM có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia. Chính sự đầu tư đó, đến nay ĐHQG TPHCM đã thu hút các chuyên gia đầu ngành ở các trường ĐH lớn về làm việc, như GS Hồ Tú Bảo, GS Omar M.Yaghi, GS Dương Nguyên Vũ, GS Võ Văn…

Do đó, ĐHQG TPHCM hiện đã hình thành trên 20 nhóm nghiên cứu có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và thế giới trong các lĩnh vực manar, tính toán lưới, tính toán tối ưu, thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, vật liệu polymer-composite, tế bào gốc, an ninh mạng và các lĩnh vực thuộc nhóm khoa học xã hội như khảo cổ học, văn hóa học, Việt Nam học…

Một trong những thước đo chính xác về giá trị của các công trình nghiên cứu khoa học là công bố kết quả nghiên cứu tại các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế được công nhận bởi ISI (Institute for Scientific Information). Đây là cơ quan uy tín duy nhất hiện nay đánh giá bao quát tất cả các lĩnh vực khoa học và có phân loại. Riêng năm 2014 (tính đến tháng 10), ĐHQG TPHCM có 320 bài báo trên các tạp chí quốc tế (tạp chí thuộc danh sách ISI có 205 bài).

Tròn 20 tuổi, ĐHQG TPHCM tự tin khẳng định vị thế cũng như thực hiện được quốc sách mà Chính phủ giao phó, đó là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thách thức và khó khăn sẽ còn nhiều, song với sức mạnh tổng thể, được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện tối ưu, chắc chắn ĐHQG TPHCM sẽ ngày càng lớn mạnh, hoàn thiện hơn sau tuổi 20.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục