Đại học Việt Đức xây dựng mô hình trường đại học nghiên cứu

Là trường đại học công lập đầu tiên, thuộc dự án xây dựng 4 đại học mô hình mới theo Quyết định số 145 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam, sau hơn 7 năm thành lập, Trường Đại học Việt Đức đã triển khai được tổng cộng 11 chương trình đào tạo, với hơn 1.400 sinh viên.

Trong giai đoạn 2008-2021, trọng tâm đào tạo của Trường Đại học Việt Đức là các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành kinh tế và quản trị. Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh; trong quá trình học tập, sinh viên cũng được học tiếng Đức song song. Sinh viên tốt nghiệp nhận bằng của CHLB Đức và bằng của trường, mở ra cho các sinh viên tốt nghiệp của trường nhiều cơ hội việc làm, cũng như tiếp tục đào tạo và nghiên cứu lên bậc cao hơn. Ngoài ra, 40% sinh viên năm cuối có thành tích học tập xuất sắc được Cơ quan trao đổi hàn lâm CHLB Đức cấp học bổng để thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại các trường đại học của Đức từ 6 tháng đến 1 năm.

Một đặc điểm của Trường Đại học Việt Đức là xây dựng và phát triển thành một đại học nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại, áp dụng quy chế “mở” mọi lúc cho sinh viên sử dụng. Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng tăng giờ học thực nghiệm, giảm giờ học lý thuyết. Sinh viên và đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường được khuyến khích nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu thông qua các chương trình hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Đức, các đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng được cấp kinh phí từ Quỹ Nafostec và các địa phương đã và đang được các giảng viên nhà trường thực hiện. Đặc biệt, nhà trường hợp tác với Đại học Kỹ thuật Darmstadt và Trường Đại học Giao thông Vận tải xây dựng Trung tâm Nghiên cứu giao thông Việt Đức - VGTRC (Vietnamese-German Transport Research Center). Trung tâm VGTRC cũng đã tham gia vào dự án nghiên cứu hợp tác song phương “Thời gian thực giám sát giao thông vận tải - một giải pháp quản lý giao thông” do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang BMBF phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tài trợ. Ba phòng thí nghiệm hiện đại khác cũng sẽ được đầu tư xây dựng trong những năm tới.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong quá trình xây dựng phát triển, Trường Đại học Việt Đức đã nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội hơn 30 trường đại học Đức trên toàn liên bang thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo và giáo sư giảng dạy tại trường. Sự gắn kết giữa nhà trường và các đơn vị tại Đức sẽ được mở rộng nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt - Đức.

Kế hoạch phát triển đào tạo giai đoạn 2015-2021 đã được Hội đồng trường phê duyệt với 6 khối ngành, đạt mục tiêu 5.000 sinh viên, trong đó khoảng 4.000 sinh viên đại học và 1.000 sinh viên cao học. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã đầu tư 200 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới để xây dựng khuôn viên mới với hệ thống quản trị nhà trường, cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, điều kiện học tập và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Điều đó tạo điều kiện cho trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

NGUYỄN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục