Trong bài Bát nháo “cò” bệnh viện đăng trên Báo SGGP ngày 2-7-2016 có nêu thực trạng “cò” đang hoạt động rầm rộ tại phía ngoài cổng khu A Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD). Cho tới nay, BV ĐHYD đã có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Đợt cao điểm có tới 80 “cò” hoạt động
Phòng Quản trị - bộ phận được Ban giám đốc BV ĐHYD giao nhiệm vụ ngăn chặn “cò”, đã thông tin cho phóng viên Báo SGGP về các biện pháp đã thực hiện nhiều năm nay nhằm ngăn chặn tình trạng “cò” lộng hành tại BV. Các cán bộ Phòng Quản trị đưa ra hàng xấp hồ sơ mà BV tạm giữ (gồm các giấy đăng ký khám bệnh mà “cò” làm trước để bắt số cùng hàng trăm giấy cam kết không làm “cò” dắt bệnh) và cho biết: BV ĐHYD có hơn 6.000 lượt người tới khám mỗi ngày, do đó tại nơi đăng ký khám bệnh luôn đông nghịt. Nhiều người buôn bán ở gần BV hoặc sống gần đấy tường tận các phòng khám và quy trình làm việc của BV nên tận dụng cơ hội này lấy số thứ tự, hướng dẫn người bệnh để ăn tiền “cò”. Do tâm lý ngại chờ đợi nên rất nhiều người bệnh đã sử dụng dịch vụ của “cò”.
Trước đây, BV ĐHYD có nhờ chính quyền phường hỗ trợ ngăn chặn “cò”, nhưng chính quyền phường cũng chỉ buộc những người làm “cò” viết bản cam kết, rồi thôi, nên không hiệu quả. Từ năm 2014 đến nay, toàn bộ đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và bảo vệ BV ĐHYD cùng chung sức ngăn chặn hoạt động “cò”, nhờ vậy từ 80 “cò” hoạt động công khai, ngang nhiên đi lại và chiếm hàng chục ghế chờ trong bệnh viện để bắt số thứ tự với thái độ vô cùng manh động, nay đã giảm còn khoảng 15 “cò” hoạt động phía ngoài khuôn viên BV. Đã có rất nhiều biện pháp được triển khai, như phân công trực chốt chặn “cò” ra vào BV; đội ngũ hướng dẫn người bệnh và bộ phận nhận bệnh kiểm soát gắt gao các phiếu đăng ký. Từng bước ngăn chặn “cò” vào BV, ban đầu là chặn theo giờ, dần dần chặn hoàn toàn để tránh gây kích động, gây sự. Song song đó, BV liên tục làm ký hiệu riêng ở các phiếu đăng ký khám theo từng ngày, khi thì cắt góc, khi thì đóng dấu, để loại những hồ sơ sử dụng dịch vụ của “cò”, nên số lượng hồ sơ bệnh bị giữ lại khá nhiều, dần dà người bệnh ít sử dụng dịch vụ “cò” hơn. Đến nay, nhiều “cò” đã chuyển sang kiếm việc khác, một số kiên quyết bám trụ thì hoạt động phía ngoài BV và hướng dẫn người bệnh từ xa, chứ không trực tiếp đưa người bệnh tới các phòng khám như trước.
“Cò” hướng dẫn cho bệnh nhân vào khám
tại Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM
Xử lý các trường hợp móc nối với “cò”
“Hầu hết lực lượng bảo vệ, nhân viên phát số thứ tự, nhân viên hướng dẫn và tiếp nhận bệnh đều nắm hồ sơ và nhớ mặt từng “cò” nhưng “cò” hoạt động ngày càng tinh vi, khi bị nhận diện và chặn ngay từ cổng thì họ thuê người dân, xe ôm hoặc thuê sinh viên để vào bắt số. BV yêu cầu triển khai thông tin cá nhân trong phiếu đăng ký phải trùng họ tên, tuổi, địa chỉ với khi khai ở quầy tiếp nhận bệnh, thì họ tiếp thị dịch vụ “cò” qua điện thoại, ai có nhu cầu thì liên hệ trước, đọc họ tên, địa chỉ để họ có thông tin bắt số. Vì vậy, dù rất nỗ lực nhưng họ cố tình trà trộn vào thì mình cũng khó xử lý dứt điểm hết được”, một cán bộ BV cho biết.
Về nghi vấn nhân viên trong BV móc nối với “cò”, Phòng Quản trị thừa nhận trước đây có nhưng hiện tại đã hết. Cụ thể, từ khi BV quyết liệt ngăn chặn hoạt động “cò”, các cán bộ, bác sĩ, nhân viên đều phải cam kết không móc nối với “cò”. Năm trước, một cán bộ y tế tại BV ĐHYD có hành vi bán số cho “cò” đã bị phát hiện, kỷ luật và luân chuyển công tác. Gần đây, ngày 28-7-2016, BV ĐHYD cũng phát hiện một nhân viên của Công ty Bảo vệ An Phú (đơn vị hợp đồng bảo vệ cho bệnh viện) có hành vi chỉ người bệnh ra sử dụng dịch vụ của “cò”, đã xử lý buộc thôi việc. Hiện nay, BV ĐHYD đã tăng cường người làm công tác hướng dẫn, hỗ trợ người tới khám bệnh, với gần 50 người gồm bảo vệ, nhân viên y tế và lực lượng sinh viên thực tập.
PGS-TS Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐHYD, khẳng định: “Ban giám đốc BV ĐHYD rất quan tâm, đã có rất nhiều cuộc họp và chỉ đạo phải giải quyết nạn “cò”. BV không chấp nhận chuyện xuất hiện “cò” trong khuôn viên BV, nên từ bác sĩ, điều dưỡng, thư ký y khoa, bảo vệ và những người làm công tác hướng dẫn được quán triệt tuyệt đối không móc nối với “cò” để tạo thuận lợi cho một số người mà ảnh hưởng chung đến các bệnh nhân khác. Trước đây cũng có người bắt tay với “cò” nhưng đều nhanh chóng bị phát hiện và xử lý kỷ luật. Chúng tôi khẳng định rằng BV luôn tìm mọi cách hạn chế tối đa hoạt động của “cò”, kiểm soát hoàn toàn trong khuôn viên BV. Với các dịch vụ “cò” đang hoạt động phía ngoài bệnh viện và ngày càng có nhiều chiêu trò tinh vi, chúng tôi không chắc sẽ dứt điểm 100% nhưng toàn bệnh viện cũng đang nỗ lực để người dân yên tâm khám bệnh”.
THU HƯỜNG