Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP biển Đà Nẵng (diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21-11-2015) là diễn đàn của các nhà khoa học, các nhà quản lý biển, vùng kinh tế bờ biển và hải đảo trao đổi thông tin, cập nhật kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, thành tựu, về quản lý phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường đại dương, đặc biệt là các biển Đông Á.
Thông điệp Việt Nam
Tại Đại hội lần này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đưa thông điệp “Cùng nhau giữ gìn màu xanh của môi trường biển, màu xanh hòa bình, vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”. Trong khuôn khổ Đại hội, nhiều diễn đàn, hội thảo liên quan đến bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong vùng biển Đông Á, hướng đến thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đã được các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ.
Việt Nam là một trong những nước thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á. Trong ảnh: Đường bờ biển tại vịnh Hạ Long. Ảnh: Phương Hà
Trong đó, hội thảo “Thông điệp Việt Nam” đã tập trung nhìn lại sự phát triển của việc thực hành quản lý vùng bờ tại Việt Nam trong 2 thập kỷ qua và xác định các khu vực cần tăng cường và thực hành tốt, có thể được ứng dụng trong việc mở rộng quản lý vùng bờ và tăng cường thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với hội thảo này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự hội tụ của những nỗ lực quản lý vùng bờ có liên quan, bao gồm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Phát triển bền vững vùng biển Đông Á và các ưu tiên, mục tiêu của Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2030; thảo luận về các hợp phần khác nhau của Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam và các biện pháp đề xuất thực hiện. Hội thảo cũng tập trung thảo luận về việc tăng cường hợp tác giữa việt Nam và các quốc gia Đông Á trong bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường vì sự phát triển bền vững của các biển Đông Á theo tinh thần thông điệp Việt Nam là “Hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển các biển Đông Á - Lợi ích của chúng ta!”.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia biển có đường bờ biển dài trên 3.000km, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên, rộng hơn 1 triệu km2, có lịch sử khai thác, sử dụng và quản lý biển từ lâu đời. Biển luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong tâm thức và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển; kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng nhanh của kinh tế vùng ven biển, nhất là các lĩnh vực hàng hải, thủy sản, dầu khí và du lịch biển đã đóng góp rất lớn vào việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng cường phúc lợi, cải thiện điều kiện sống, tạo thêm cơ hội và từng bước đảm bảo công bằng xã hội cho cư dân ven biển và nhân dân Việt Nam. Việt Nam đã tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác kinh tế biển với các quốc gia, trong đó có các quốc gia biển Đông Á. Đồng thời đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, ngăn chặn xu thế suy thoái của rừng ngập mặn, khôi phục đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, phát triển khoa học công nghệ biển, bước đầu giảm được xu thế suy thoái rạn san hô và nhiều hệ sinh thái quan trọng khác.
Cần chiến lược lồng ghép giảm thiểu rủi ro
Tại hội thảo với chủ đề “Quản lý rủi ro trong BĐKH và thảm họa ở các biển Đông Á”, các đại biểu nêu rõ: do vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội và tăng trưởng dân số, khu vực biển Đông Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của BĐKH. Chính vì thế, việc giải quyết vấn đề về BĐKH và rủi ro thảm họa là nhân tố chính mang đến những cơ hội để cải thiện, tăng cường và thực hiện các kỹ năng thích ứng của xã hội. Trong những năm qua, khu vực biển Đông Á đã có sự tăng trưởng bùng nổ về nhận thức và thông tin về những tác động và rủi ro, được hiểu là thay đổi chính sách và thực tiễn trong ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thảm họa, bao gồm cả nhân rộng quản lý tổng hợp vùng bờ. Tuy nhiên, cho đến nay, một chiến lược lồng ghép giải quyết những mối đe dọa về BĐKH và giảm thiểu rủi ro thảm họa vẫn chưa được thông qua. Chính vì thế, các chuyên gia cùng nhận định, việc áp dụng một khung chiến lược với những mục tiêu và tiêu chí cụ thể có thể giúp đưa ra định hướng và theo dõi tiến bộ trong quản lý rủi ro thảm họa và BĐKH của khu vực biển Đông Á.
Liên quan đến phát triển kinh tế xanh, các đại biểu cũng khẳng định, khu vực các biển Đông Á là một trung tâm quan trọng cho các hoạt động thương mại biển, đầu tư và tăng trưởng. Hiện các nước trong khu vực các biển Đông Á chia sẻ một đại dương chiếm tới 80% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn cầu, hơn 65% sản lượng thu hoạch và chế biến thủy sản đánh bắt trên thế giới, là cầu nối quan trọng cho 90% thương mại thế giới, kết nối mọi người, thị trường và sinh kế. Kinh tế đại dương và vùng bờ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của địa phương, tiểu vùng và khu vực. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, đặc biệt ở khu vực vùng bờ đang ảnh hưởng đến thể trạng vùng bờ và hệ sinh thái biển. Khoảng 80%-90% lượng nước thải ở khu vực các biển Đông Á đang bị thải ra các sông hồ và bờ biển mà không qua xử lý.
Đại dương là môi trường liên hoàn, để ngăn chặn sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ô nhiễm môi trường biển, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và môi trường cần được áp dụng không chỉ ở một quốc gia mà ở tất cả các quốc gia có chung đường biển và đại dương. Vì vậy, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong vùng biển Đông Á, các quốc gia cần hợp tác trong bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại vùng biển Đông Á. Đại diện Việt Nam cho biết, trong những năm qua, bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA).
HÀ PHƯƠNG