
Trong 5 năm tới, Hậu Giang phấn đấu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; (tập trung đầu tư xây dựng Vị Thanh ngang tầm với vai trò là thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh). Phấn đấu đến năm 2015 có mức phát triển trung bình khá trong khu vực, làm nền tảng đến 2020 đạt mức phát triển bình quân của cả nước.

Một góc thành phố Vị Thanh hôm nay
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII với chủ đề “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới và phát triển”, được tiến hành trong bối cảnh cả nước hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Phấn khởi hơn khi thị xã Vị Thanh vừa được Chính phủ công nhận là thành phố. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Hậu Giang.
Hậu Giang là tỉnh mới, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng với quyết tâm cao, 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu, đoàn kết, nhất trí cao, đồng thuận lớn, năng động, sáng tạo; tự lực, tự cường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện được thành tựu toàn diện và rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển, thu hút nhiều dự án quan trọng; văn hóa - xã hội tiến bộ trên nhiều lĩnh vực; xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả nổi bật; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh được nâng lên (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam xếp Hậu Giang hạng 3/63 tỉnh, thành và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 13/63); được xếp hạng nhất cụm thi đua các tỉnh ĐBSCL 2009. Đó là nhờ cán bộ, đảng viên chung sức, chung lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh nhà; các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội.
Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường. Nhiều mô hình tổng hợp đạt giá trị sản xuất 50 - 100 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận 35%-40% (năm 2005 có 556 mô hình, đến đầu năm 2010 có trên 25.200 mô hình, trong đó có 3.440 mô hình đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm).
Nhờ thực hiện tốt chính sách ưu đãi về đầu tư, đến nay có 425 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 48.000 tỷ đồng và 730 triệu USD, trong đó có 51 dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Đáng chú ý, huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá nhanh, vượt 2 lần so với kế hoạch. Tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong 5 năm theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27.234 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với 5 năm trước. Thông qua chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, việc thu hút nguồn vốn FDI đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả nổi bật, có tính đột phá. Nhiệm kỳ qua đã thu hút các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Lee & Man - Hồng Công (Trung Quốc), Công ty cổ phần Hải sản Minh Phú,... Đến nay, Hậu Giang có 12 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký trên 730 triệu USD, trong đó có 3 dự án liên doanh, 9 dự án 100% vốn nước ngoài. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nhanh. Nổi lên là các công trình được Trung ương đầu tư trên địa bàn như: đường Nam Sông Hậu, quốc lộ 1A, quốc lộ 61, cầu Cái Tư, tuyến lộ Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến lộ Quản lộ - Phụng Hiệp, nạo vét tuyến đường thủy quốc gia TPHCM - Cà Mau, kênh Nàng Mau 2, dự án Ô Môn - Xà No... Tỉnh đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh, huyện, hệ thống đường nội ô TP Vị Thanh, Ngã Bảy, các thị trấn, hệ thống kè Xà No, đường nối thị xã Vị Thanh - Cần Thơ, nhiều tuyến đường về trung tâm xã và các khu, cụm công nghiệp.
Về văn hóa xã hội có bước phát triển khá đồng đều. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh xây dựng được 43/73 xã, phường, thị trấn văn hóa; xét công nhận trên 84% tổng số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; hoàn thành xây dựng 3 xã nông thôn mới theo 13 tiêu chí, vượt 1 xã so với nghị quyết. Đáng chú ý, Hậu Giang đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện văn hóa, xã hội lớn của tỉnh, khu vực và cả nước, tiêu biểu như: Kỷ niệm 5 năm thành lập tỉnh, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 1, kỷ niệm 37 năm Chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch gắn với tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Được lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao.
Tỉnh đã thực hiện tốt nhiều chương trình an sinh xã hội cao. Hơn 5 năm qua, vận động đóng góp trên 815 tỷ đồng, xây dựng trên 20.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Triển khai tốt các chính sách về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào dân tộc.
Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, sự đồng thuận trong toàn xã hội, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tính tiên phong, gương mẫu, sâu sát, quyết liệt và năng động của cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhân tố quyết định. Huy động tốt các nguồn lực, trước hết là nội lực để đầu tư phát triển kinh tế. Thực tiễn những năm vừa qua cho thấy tiềm năng trong nhân dân còn rất lớn, nếu có biện pháp, chủ trương phù hợp thì việc huy động các nguồn lực (vốn, lao động, đất đai, kỹ thuật, kinh nghiệm...) phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội đem lại nhiều kết quả cao hơn.
Phát triển kinh tế kết hợp với giải quyết các vấn đề xã hội và các nhu cầu dân sinh, giải quyết các vấn đề bức xúc như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer; chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm cho sự ổn định chính trị, xã hội. Đó là các vấn đề then chốt cũng là mong muốn của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh gởi đến các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII.
NGUYỄN PHONG QUANG (Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang)
Hậu Giang trên đường phát triển
5 năm qua, Hậu Giang đã có những bước phát triển nhanh và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, bộ mặt và không gian đô thị của thị xã Vị Thanh vừa được công nhận thành phố đã được cải thiện và mở rộng. Cùng với kè kinh xáng Xà No, nhiều tuyến đường lớn được mở rộng.
Trong đó, trục đường Hậu Giang (ảnh 1) đấu nối với đường nối Vị Thanh – TP Cần Thơ là một trong những tuyến đường mở rộng không gian đô thị. Nông nghiệp Hậu Giang cũng từng bước phát triển theo hướng chất lượng cao. Cùng với khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi, cá rô đầu vuông…, cá thác lác cườm là một trong những đặc sản của địa phương (ảnh 2). Ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ vốn để nông dân trang bị máy gặt đập liên hợp, giảm thất thoát sau thu hoạch (ảnh 3).

1

2

3
PHẠM UY TÍN – HOÀI THU