Đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tội phạm ngay khi phát sinh

Quận Thủ Đức (TPHCM) giáp ranh hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, có 502.000 dân nhưng hơn 50% là dân vãng lai, lại có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, có hàng ngàn nhà trọ - khách sạn kinh doanh... Lợi dụng các điều kiện này, gần đây, nhiều băng nhóm tội phạm từ các địa phương khác đổ về ẩn náu, hoạt động phức tạp, nhất là thời điểm Tết Ất Mùi cận kề.
Đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tội phạm ngay khi phát sinh

Quận Thủ Đức (TPHCM) giáp ranh hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, có 502.000 dân nhưng hơn 50% là dân vãng lai, lại có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, có hàng ngàn nhà trọ - khách sạn kinh doanh... Lợi dụng các điều kiện này, gần đây, nhiều băng nhóm tội phạm từ các địa phương khác đổ về ẩn náu, hoạt động phức tạp, nhất là thời điểm Tết Ất Mùi cận kề.

Công an quận Thủ Đức đã và đang có những giải pháp nào để ngăn chặn? Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức.

Đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tội phạm ngay khi phát sinh ảnh 1

Đại tá Lê Anh Tuấn

- Phóng viên: Cuối năm là thời điểm nhạy cảm, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh của người dân để ra tay gây án, công an quận làm gì để ngăn chặn?

>> Đại tá LÊ ANH TUẤN: Toàn bộ lực lượng công an quận được tăng cường hỗ trợ cùng với công an các phường theo dõi sát sao diễn biến về an ninh trật tự trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, bởi làm tốt công tác trinh sát, theo dõi địa bàn, sẽ ngăn chặn kịp thời các sự việc, sự vụ ngay khi mới phát sinh, hạn chế số vụ án nghiêm trọng xảy ra. Để đảm bảo yên bình cho người dân trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, từ cuối tháng 12-2014, công an quận có kiến nghị với Công an TPHCM cần tăng cường lực lượng hỗ trợ tuần tra ở những địa điểm, khu vực diễn biến phức tạp về tình hình tội phạm, như chợ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực có nhiều trường đại học… Đến thời điểm này, ở một số khu vực nhạy cảm trên địa bàn quận như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, làng Đại học Quốc gia TPHCM, KCX Linh Trung, KCN Bình Chiểu… đều có lực lượng tuần tra 24/24 của công an quận, phường và tổ cảnh sát cơ động của Trung đoàn Cảnh sát cơ động TPHCM. Ngoài ra, công an quận cũng phối hợp với Công an quận 9, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương), Thanh tra giao thông TPHCM rà soát, theo dõi, xử lý kiên quyết đối với hoạt động “bến cóc”, “xe dù” trên các tuyến quốc lộ 1A, 13 và xa lộ Hà Nội. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả ở các chợ, trung tâm thương mại, nơi đông người… Các giải pháp này được công an quận triển khai quyết liệt từ ngày 16-1 đến 15-3.

- Năm 2014, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn quận Thủ Đức tăng 31,45% so với năm 2013. Theo ông, đâu là nguyên nhân, giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này? 

Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn quận Thủ Đức và các khu vực giáp ranh như thị xã Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) có nhiều KCN, KCX, chợ đầu mối, trường đại học tập trung. Lợi dụng điều này, nhiều băng nhóm tội phạm ở các tỉnh phía Bắc đổ vào ẩn náu, hoạt động. Để kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn quận, nhất là khu vực giáp ranh, bên cạnh các biện pháp nói trên, hiện nay công an quận yêu cầu Đội cảnh sát quản lý hành chính phối hợp cùng UBND, công an các phường kiểm tra, xử lý mạnh tay, kiên quyết dẹp triệt để các quán ăn, nhà hàng, cà phê, cầm đồ, nhà trọ…. hoạt động trá hình. Cùng với đó, Đội cảnh sát hình sự phải nhanh chóng triệt tiêu các băng nhóm phạm tội đang hình thành. Kết quả, qua kiểm tra 3 tiệm cầm đồ ở quận Thủ Đức mới đây, công an đã tạm giữ 27 xe máy không có giấy tờ, hiện nay đang truy xét, xử lý. Cảnh sát hình sự bắt được nhiều băng nhóm tội phạm cộm cán như: nhóm 4 đối tượng do Nguyễn Văn Ngoan (quê Tây Ninh) cầm đầu chuyên trộm xe máy, laptop; hay nhóm 8 đối tượng chuyên “ăn hàng” ở khu đông người do Nguyễn Ngọc Minh (ngụ tại Thủ Đức) cầm đầu… Tới đây, quận sẽ phối hợp với công an các địa phương lân cận triển khai quyết liệt các giải pháp này.

- Hiện nay, tại khu vực cửa ngõ thành phố, cụ thể là các tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 13 thường xuyên xảy ra kẹt xe. Công an quận đã chủ động xử lý vấn đề này như thế nào?

Trong tháng đầu năm 2015, trên địa bàn quận Thủ Đức xảy ra hai vụ kẹt xe nghiêm trọng trên tuyến ngã tự RMK và ngã tư Thủ Đức. Nguyên nhân chính là do cảng Trường Thọ nằm trên địa bàn, hàng ngày có hàng trăm xe container ra vào lấy hàng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng cơ khí 622 tổ chức thu phí tại khu vực cổng vào cảng trên xa lộ Hà Nội nên thường xuyên gây ra tình trạng kẹt xe kéo dài. Để giải quyết tình trạng trên, Công an quận Thủ Đức đã kiến nghị Công ty cổ phần Xây dựng cơ khí 622 tổ chức thu phí vào cảng tại cổng ra. Đồng thời bố trí khu vực và thời gian làm thủ tục hải quan hợp lý, tránh tình trạng xe chờ làm thủ tục nối dài, gây ùn tắc.

TUẤN VŨ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục