6 tháng đầu năm 2016, đã có 54 vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên đường cao tốc, làm chết 21 người, bị thương 46 người. Lực lượng CSGT đã xử lý 17.827 trường hợp vi phạm TTATGT, tạm giữ 269 phương tiện… Đó là thông tin từ hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra” tổ chức tại Hà Nội ngày 8-6.
Theo Trung tá Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Giao thông đường bộ, cao tốc (Cục CSGT - Bộ Công an), một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn nêu trên là do cơ sở hạ tầng của một số tuyến đường như Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây… chưa đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành ATGT của nhiều người dân còn yếu kém. Tình trạng phá hàng rào hộ lan để bán hàng, đón xe, đi ngược chiều trên các tuyến cao tốc, ô tô, xe máy, người đi bộ đi vào đường cao tốc vẫn còn khá phổ biến.
Ở một số tuyến khác như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nguy cơ mất ATGT còn phức tạp hơn khi gần đây xảy ra nhiều vụ ném đá, nhiều vụ nổ lốp trên tuyến, trung bình có tới 5 vụ nổ lốp/ngày. Đó là chưa kể tình trạng xe quay đầu rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn. Nhiều ý kiến cũng phản ánh, hệ thống biển báo trên cao tốc hiện không đồng bộ với nhau, tại một số vị trí đường nhánh, nút giao chưa bố trí đầy đủ thiết bị ATGT, dải phân cách trên cao tốc hiện nay rất dễ gây buồn ngủ cho tài xế, các tuyến cao tốc chưa có sự phản quang và ánh sáng tốt giúp lái xe bao quát được trong cự ly dài...
Theo ông Trần Hữu Minh, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, trên thế giới, các quốc gia có quy định rất cụ thể, nghiêm ngặt về việc tham gia giao thông trên đường cao tốc, trong đó, yếu tố đảm bảo ATGT được đặt lên hàng đầu. Các hành vi như đón trả khách trên đường cao tốc, việc người dân tự ý vượt rào, xe đón khách trên đường cao tốc… là vi phạm nghiêm trọng nhưng có thể được giải quyết nếu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, xử lý, xử phạt chéo, đồng thời quy hoạch các vị trí đón trả khách theo giờ, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân mà vẫn đảm bảo tính an toàn. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bên trong xử phạt có thể làm tốt hơn, đơn cử như sau khi cảnh sát vào cuộc sẽ chuyển cho sở GTVT xử lý thì sức mạnh pháp lý sẽ tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện đã có 12 tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng chiều dài 745km. Để tăng cường đảm bảo ATGT trên hệ thống cao tốc trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy tắc giao thông trên đường cao tốc, đặc biệt là vấn đề định mức, tiêu chuẩn, bảo trì trên đường giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, các cơ quan chức năng sẽ sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng camera tự động. Phấn đấu đến năm 2017 sẽ có tài khoản cho các xe tải để có thể xử lý theo hình thức “phạt nguội”. Ngoài ra, các trạm thu phí không dừng cũng đang được đẩy mạnh để đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn trên các tuyến cao tốc.
BÍCH QUYÊN
***
Tổng kiểm tra xử lý các bến tàu khách
Ngày 8-6, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất các bến tàu khách tại các tỉnh, thành phía Nam về các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông thủy trong vận chuyển hành khách.
Các lực lượng chức năng gồm: Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, Thanh tra Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa 3 cho biết sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến tàu chở khách không đảm bảo an toàn giao thông thủy và sẽ bàn giao các địa phương tiếp tục kiểm tra xử lý.
QUỐC HÙNG