Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đã khép lại. Các nhà văn trẻ ra về với những đặt hàng từ lớp nhà văn đi trước trong các hội nghị và hội thảo. Ngoài những buổi giao lưu gặp gỡ trao đổi về những quan ngại trong sáng tác xuất bản, những người viết văn trẻ còn được các nhà văn lớn tuổi dày dạn kinh nghiệm chia sẻ về nghề viết rất tâm huyết bằng tiếng nói ân cần.
Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sự cảm nhận của từng lứa tuổi khác nhau, từng chi tiết nhỏ tạo nên tác phẩm lớn. Nhà văn hóm hỉnh bảo rằng, khi còn nhỏ nhà văn thường chơi với những người già để học hỏi. Còn bây giờ lớp nhà văn già nếu ngồi với nhau chỉ nói toàn chuyện cũ. Nhà văn thích chơi với lớp nhà văn trẻ để biết được nhịp sống hàng ngày. Theo nhà văn muốn sống ngon lành thì phải đảm bảo cuộc sống trước rồi mới yên tâm sáng tác. Nhà văn gợi ý, báo văn nghệ cứ trả một truyện ngắn 10 triệu đồng nhất định sẽ có truyện hay.
Giáo sư Phong Lê nói chuyện về quá trình chuyển đổi từ bút lông sang đến bàn phím là cả một hành trình dài. Văn học cũng chuyển đổi tương ứng như thế. Giáo sư khuyên chúng ta không nên tạo ra những kẻ thù bí ẩn nào. Nhà văn Nguyễn Chí Trung thì tin rằng có cái đẹp trong sự cô đơn. Nhà văn luôn tin tưởng vào lớp trẻ; với nhịp sống và phương tiện hiện nay, lớp trẻ sẽ viết khỏe hơn lớp nhà văn đi trước.
Nhà văn Trần Văn Khai cho rằng, tài năng nhà văn có được là trời cho. Trời cho được thì cũng lấy đi được. Vấn đề là nhà văn có sức đi đường dài hay không, có dám viết cái mình nghĩ hay không. Đừng sợ những gì mình viết không thiêng liêng. Nhà văn đẻ ra trường phái chứ không lệ thuộc vào trường phái. Trong văn học, chính nhà văn là thượng đế. Nhà văn nâng đỡ cho nhau chứ không được dễ dãi với nhau. Nếu dễ dãi sẽ không có một giá trị nào đích thực. Theo nhà văn, không có ranh giới giữa nhà văn trẻ với nhà văn già mà chỉ có văn hay và văn dở.
Theo kinh nghiệm của nhà văn Xuân Cang: Mỗi người viết đều có mệnh riêng của mình. Mệnh người ta thế nào thì văn chương thế ấy. Nhà văn trẻ làm theo mệnh của mình sẽ dễ thành công hơn. Nhưng nhà văn trẻ làm thế nào để biết mệnh của mình? Theo nhà văn, nếu không biết mệnh của mình thì cứ viết những gì mình thích. Mình là thư ký của mình. Hãy lặn sâu và lấy tâm hồn mình điều khiển. Là thư ký cho mình trước sẽ dễ thành công hơn.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trở lại vấn đề giáo dục với câu hỏi học để làm gì? Là người luôn quan tâm đến cải cách giáo dục: Học để sống bình thường. Chúng ta chỉ có 6/1.000 phần khác nhau nhưng chẳng ai giống nhau. Giáo dục cho mình sống là chính mình, xứng đáng là chính mình là điều đáng quý, đó là niềm vui của nhân loại. Văn học cũng vậy, phải có những khác nhau ấy mới tạo nên phong cách.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường tâm sự và khuyên bạn trẻ, ngoài đề tài thành thị hãy viết về đề tài nông thôn. Vấn đề tam nông được gợi ra. Các nhà văn trẻ rất thích thú khi dịch giả Nguyễn Văn Dân gợi mở về đề tài chính trị. Theo dịch giả, chính trị là vấn đề lớn bao giờ cũng được quan tâm nhất, hứa hẹn cho chúng ta tác phẩm đỉnh cao. Nhưng vấn đề thể hiện thế nào mà thôi. Ngoài ra, kiến thức văn hóa rất quan trọng. Nếu không có kiến thức văn hóa thì chúng ta chỉ hứng phần ngọn.
Các nhà văn lớn tuổi đã động viên những người viết trẻ tự tin vững bước trong công cuộc sáng tác văn học, tạo nên tình đầm ấm giúp nhà văn trẻ định hướng sáng tác. Sự gửi gắm rất lớn, sự trao đổi kinh nghiệm bổ ích. Bồi dưỡng là một quá trình lâu dài mà hội nghị là điểm nhấn. Sáng tác văn học là nghệ thuật thì việc bồi dưỡng những người viết văn trẻ cũng là một nghệ thuật. Hiện nay có nhiều tờ báo có trang văn nghệ và các cuộc thi văn học để những người viết trẻ thi thố, có các diễn đàn văn học để các bạn bộc lộ tài năng và thể hiện mình...
Sau hội nghị, những người viết trẻ lại trở về với trang viết của mình. Những điều thấy, nghe và học hỏi được từ hội nghị là không ít, nhất là tình cảm của lớp nhà văn đi trước dành cho những người viết trẻ. Các nhà văn lớn tuổi đã tin tưởng và gởi gắm vào thế hệ những người viết trẻ. Nhớ lúc nhà văn Trung Trung Đỉnh gọi điện bắt taxi rất tận tình cho anh em đoàn TPHCM rồi đứng chờ, khi lên xe nhà văn Danh Lam cứ luôn miệng: “Nhà văn ấy sao mà dễ thương thế!”.
Trương Anh Quốc