Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Những người viết tiếp “huyền thoại Điện Biên”

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã đi vào lịch sử, làm thay đổi đáng kể cục diện thế giới. Và trong suốt 70 năm qua đã có những người viết tiếp “huyền thoại” ấy, góp sức làm thay da đổi thịt nhiều vùng đất heo hút của tỉnh Điện Biên. 

Ngày tết của dân tộc Hà Nhì ở cực Tây với không khí tươi vui tin yêu đượm tình quân và dân biên ải
Ngày tết của dân tộc Hà Nhì ở cực Tây với không khí tươi vui tin yêu đượm tình quân và dân biên ải

Khắc ghi hình ảnh người lính biên phòng

Nhờ khá nhiều năm gắn bó với địa bàn Tây Bắc, rất nhiều lần đi đi về về vùng đất cực Tây Tổ quốc, với tôi, sẽ không quá lời nếu ví những người lính biên phòng chính là “huyền thoại mới”. Họ đã gắn bó với từng đời dân, từng phận người, từng khe suối biên cương kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Người anh hùng đầu tiên của lực lượng “Công an vũ trang” - tức Bộ đội Biên phòng ngày nay - là một người lính biên phòng ở cực Tây, anh hùng Trần Văn Thọ.

Giờ đây, con phố ngang qua trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã mang tên người anh hùng Trần Văn Thọ; trong những đồn biên phòng cực Tây, trong những cụm tượng đài tưởng niệm có hình ảnh anh hùng Trần Văn Thọ. Nhưng sâu bền nhất vẫn là tượng đài người lính biên phòng Trần Văn Thọ được dựng trong lòng người dân biên ải cực Tây, bởi ngay khi lên thành lập đồn biên phòng ở đây (năm 1958), anh đã tâm huyết dạy cho bà con biết học cái chữ, làm lúa nước, đưa trẻ con ra huyện học trường dân tộc nội trú… Năm 1961, người lính biên phòng Trần Văn Thọ hy sinh sau một trận sốt rét, khi chỉ mới 26 tuổi. Trong tâm thức người dân vùng biên giới này, anh hùng Trần Văn Thọ luôn được kính thờ.

Đúng 15 năm trước, lần đầu tiên lên với cực Tây, đường sá xe cộ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng về sự gian khổ, nhưng ấn tượng nhất lại là khi vào đến Đồn biên phòng A Pa Chải. Đêm đầu tiên đến đồn, trong ánh sáng leo lét của ngọn nến giữa đêm biên ải thâm u, không sóng điện thoại, đồn trưởng Nguyễn Đức Thắng áy náy bảo: “Đón các anh lên mà con trâu nó làm mất điện rồi”. Hóa ra anh em có lắp cái máy thủy điện nhỏ dưới suối, nhưng trâu bò thả rông của bà con đôi khi lại đạp đổ mấy hòn đá chắn đập, vậy là... mất điện. Phải 5 năm sau lần gặp đầu tiên ấy, đồn mới có điện lưới quốc gia nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên. Và giờ đây, thêm 10 năm trôi qua nữa, miền cực Tây Việt Nam đã thay da đổi thịt hơn nhiều.

Huyền thoại học hành ở cực Tây

Nếu câu chuyện những người lính giúp dân thay đổi cuộc đời là một huyền thoại về tấm lòng anh bộ đội Cụ Hồ, thì chuyện học hành của những thế hệ trẻ ở cực Tây Điện Biên cũng là một huyền thoại khác về tinh thần hiếu học. Chúng tôi chơi thân với một bạn trẻ người Hà Nhì, nhà ở không xa cột mốc số 0 A Pa Chải - cột mốc giới giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc và được coi là điểm cực Tây của Việt Nam.

Người bạn trẻ ấy là Pờ Hùng Sang - người dân tộc Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp cử nhân Báo chí tại Hà Nội. Ra trường, về lại quê hương cực Tây Điện Biên, Sang trở thành cán bộ Đoàn, làm Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé. Hai năm trước, Sang được luân chuyển đi làm Bí thư Đảng ủy xã Pá Mì. Trong hàng trăm câu chuyện Sang đã kể cho chúng tôi trong những lần lên với cực Tây Điện Biên, tôi nhớ mãi chuyện đường đến trường của Sang. Để đi từ bản ra tới trường nội trú huyện ở Mường Tè, Sang phải đi xuyên qua núi rừng đèo dốc chừng 150km! Những bạn trẻ thế hệ Sang ở Mường Nhé đều phải đi như thế. Hành trình của cậu bé từ những năm học cấp 1 cho đến cấp 2 là: “Em đi mất 5 ngày. Ngày thứ nhất đi bộ từ bản Tá Kố Khừ ra ngủ tại Chung Chải, cách nhà 30 cây số. Ngày thứ hai đi tiếp từ Chung Chải ra ngủ tại dốc Tà Tổng (Nậm Dìn, Mường Tè), con dốc Tà Tổng này hiểm trở nên có khi đi mất hai ngày, có khi ba ngày.

Nếu khỏe thì đi tiếp từ Tà Tổng ra Mường Tè trong ngày thứ tư, có khi mưa lũ, suối dâng mất 5-6 ngày mới đến...”. Lên cấp 3, Pờ Hùng Sang về học Trường Thiếu sinh quân Trần Quốc Tuấn dưới Hà Nội. Ba năm cấp 3, chỉ dịp hè Sang mới về nhà, bởi muốn về cũng chỉ đi được ô tô lên tới Mường Tè, còn đường về quê nhà ở bản Tá Kố Khừ vẫn phải mất 150km đi bộ như năm nào. Thật khó hình dung chặng đường đi dằng dặc như thế, nhưng Sang bảo: “Với tụi em, chuyến đi bộ như vậy là kinh khủng, nhưng ngày trước, bố em, bác em… đi học phải qua tận Lai Châu. Những năm 1960-1970, để đi qua Lai Châu học, chặng đường đi bộ từ bản đến tỉnh lỵ của những người con họ Pờ nơi cực Tây này lên đến 400km”.

Truyền thống hiếu học của những người Hà Nhì mà điển hình là dòng họ Pờ đã khiến họ trở thành một “gia tộc huyền thoại” ở miền cực Tây Tổ quốc: Mấy người bác ruột của Sang đều là những người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp đại học. Ngoài ông bác - anh cả “huyền thoại” Pờ Sí Tài không học đại học nhưng là “thủ lĩnh tinh thần” của người dân cực Tây A Pa Chải, người bác thứ hai là Pờ Gia Tự từng là Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mường Tè; một người bác nguyên là Bí thư Huyện ủy Mường Nhé. Các anh em chú bác của Sang cũng đều là những người Hà Nhì đầu tiên tốt nghiệp các Học viện Biên phòng, Học viện An ninh...

Cùng thế hệ của Pờ Hùng Sang giờ đây cũng có những người con họ Pờ đang đảm đương những cương vị quan trọng ở huyện, ở xã. Để có được những trọng trách đó, họ đã là những người viết nên huyền thoại hiếu học ở cực Tây Điện Biên. Từ ánh sáng của những con chữ, họ đã trở lại giúp cho bà con, làng bản mình ngày càng vươn lên!

Tin cùng chuyên mục