Chưa lúc nào nạn khai thác cát trái phép ở cửa biển Cần Giờ và trên sông Đồng Nai đoạn qua quận 9 (TPHCM), thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) lại ồ ạt, phức tạp như lúc này. Thực tế trên không chỉ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở ruộng vườn mà còn đe dọa cả tính mạng người dân.
Đêm canh “cát tặc” trên biển
Biển Cần Giờ, khu vực quanh dự án nạo vét thiết lập khu neo chuyển tải - tránh trú bão, những ngày sau Tết Nguyên đán 2016 trở nên náo động bởi tiếng gầm rú của nhiều sà lan hút cát “lậu”. Tối 21-2, cùng với một số hộ dân xã Cần Thạnh (Cần Giờ), chúng tôi mục kích trên một ghe cá và chứng kiến cảnh bơm cát “lậu” lộng hành. 0 giờ 30 phút, 3 sà lan (loại có trọng tải 400 tấn) lù lù xuất hiện, từ hướng Vũng Tàu lên. Khi còn cách phao báo ranh của “Dự án nạo vét thiết lập khu neo chuyển tải - tránh trú bão” khoảng 100m, tiếng nổ trên 3 sà lan bỗng dưng tắt lịm. Trong ánh sáng mờ, trên mỗi sà lan, chúng tôi thấy 6 người đàn ông to khỏe liên tục vác những đầu ống hút cát thả xuống biển. Ngay sau đó, rất nhiều “cỗ máy” công suất lớn trên sà lan được khởi động để hút cát. Chưa đầy 1 giờ, các sà lan đã được bơm đầy cát và di chuyển về hướng Đồng Nai.
Sà lan hút cát lậu trên biển Cần Giờ bị Bộ đội Biên phòng TPHCM bắt giữ đầu năm 2016
Người dân xã Cần Thạnh cho biết tình trạng bơm - hút cát trái phép tại khu vực biển Cần Giờ tồn tại nhiều năm qua, nhưng nở rộ từ đầu năm đến nay. “Đêm nào cũng có từ 4 - 6 sà lan ra hút cát, có đêm tổ chức hút cát đến chục lượt, kéo dài đến gần sáng hôm sau. Việc các sà lan tổ chức hút cát lậu với số lượng lớn tại nhiều điểm như thế ở khu vực giáp cửa biển sẽ tạo nên những luồng sóng nước nghịch, gây nguy hiểm cho tàu thuyền di chuyển. Ngư dân rất nhiều lần phản ánh đến UBND huyện Cần Giờ nhưng không thấy ngăn chặn”, ông Đồng Tấn Lý, ngư dân ở xã Cần Thạnh bức xúc.
“Hà bá” tấn công nhà dân
Không chỉ trên biển, trên tuyến sông Đồng Nai đoạn qua xã Long Phước (quận 9, TPHCM), nạn khai thác cát trái phép cũng diễn ra ồ ạt. Sau một thời gian dài bị bơm - hút cát trái phép vô tội vạ, trữ lượng cát ở khu vực giữa sông gần như không còn. Để tận thu cát, hiện nay, các đối tượng hút cát “lậu” tổ chức bơm - hút cát sâu vào phía bờ, tạo hàm ếch rộng, khiến bờ sông, ruộng vườn của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Đi dọc bờ sông Đồng Nai thuộc khu phố Trường Khánh (xã Long Phước), chúng tôi thấy nhiều đồng ruộng rau màu, vườn cây ăn trái của nông dân bị sạt lở sâu, có đoạn vào đến 30m. Bà Nguyễn Trung Th., ngụ xã Long Phước, cho biết năm 2013 vợ chồng bà mua khu đất gần 3.000m2 ở khu phố Trường Khánh để an dưỡng tuổi già, nhưng đến nay “cát tặc” hút cát làm sạt lở gần hết, còn chưa đến 1.000m2. Một cán bộ của xã Long Phước (xin giấu tên) cho biết, qua thống kê vào đầu năm 2016, toàn xã có khoảng 45ha đất dọc sông Đồng Nai bị sạt lở, nguyên nhân chủ yếu do bơm cát trái phép. Tình trạng rất đáng lo ngại, thời gian qua, địa phương thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng không ăn thua, “cát tặc” vẫn hoành hành.
Đáng báo động là tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua xã Thạnh Hội (còn có tên gọi là cù lao Rùa), thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Bất chấp pháp luật, sự phản ứng của người dân, mỗi đêm, trên đoạn sông này liên tục có hàng chục ghe máy thi nhau bơm cát trái phép, chở đến bán cho các vựa cát nằm dọc tỉnh lộ 747. “Bị “cát tặc” tấn công, trong khoảng hai năm gần đây, diện tích hành chính của cù lao này liên tục bị thu hẹp. Từ 450ha vào năm 2013, giờ chỉ còn 423ha”, một cán bộ hưu trí xã Thạnh Hội tiết lộ. Đáng lo ngại hơn, hiện có gần 30 hộ dân (sống ven sông) trên cù lao đang bị “hà bá” uy hiếp tính mạng, vì lòng sông Đồng Nai đang vào đến tận cửa nhà. Nhìn xuống lòng sông còn cách thềm nhà 3m, ông Trần Công T. (ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội) buồn rầu: “Cả gia đình tôi như đang ngồi trên lửa, không biết “hà bá” sẽ nuốt chửng nhà cửa, tài sản, tính mạng lúc nào”. Ông T. cho biết, để cứu lấy căn nhà, ông đã vay cả trăm triệu đồng của ngân hàng để mua đá kè bờ. Tối 22-2, sau một đêm bị “cát tặc” bơm cát, bờ kè đã bị tuột xuống sông.
Dân bức xúc, “cát tặc” dọa chém, cho xe tông
“Trước tình trạng vườn nhà ngày càng bị sạt lở nặng do nạn khai thác cát trái phép gây ra, nhiều năm qua, bà con liên tục gửi đơn kêu cứu đến UBND xã Thạnh Hội và thị xã Tân Uyên, nhưng câu trả lời vẫn cứ là: “Đang kiểm tra, xử lý”. Vì quá bức xúc trước tình trạng nạn khai thác cát ngày càng lộng hành, một số hộ dân ở Thạnh Hội buộc phải giáp mặt với “cát tặc” và bị các đối tượng này rượt chém.
Bà Huỳnh Thị Lan, ấp Tân Hội, kể vào tối 21-2, khi các ghe cát cập sát mé sông, đâm ống vào vườn nhãn hút cát, vợ chồng bà ra rọi pin, yêu cầu không hút cát. “Tôi chưa nói hết lời, 3 thanh niên cao to, kẻ cầm mã tấu, người cầm cây gỗ từ dưới ghe nhảy lên bờ rượt chúng tôi chạy ra đường. Suýt chút nữa chồng tôi bị chém ở vai nếu không kịp chạy vào nhà”. Còn ông T., nhà cạnh nhà bà T. nói mới đây, sau khi ông có ý kiến phải dẹp “cát tặc” trong cuộc họp do xã tổ chức, sáng hôm sau, đang lúc đi đường, ông này bị hai đối tượng lạ mặt, bịt khẩu trang, chạy xe máy đạp ngã xe và đe dọa: “Mày liệu hồn, nếu còn thưa kiện, tao cho xe tông chết”.
Qua một người dân địa phương, chúng tôi gặp N. - một đối tượng được các đầu nậu thuê hút cát trước đây, hiện đã giải nghệ. N. cho biết: “Ở cù lao Thạnh Hội hiện có khoảng 20 đầu nậu hút cát lậu. Các đối tượng này có mối quan hệ mật thiết với một số công an và cán bộ môi trường”.
| |
PHẠM MINH