Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đã đến dự. Tại lễ kỷ niệm, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu chiến binh, các đồng chí lãnh đạo và đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, người dân đã mặc niệm, dâng hương dâng hoa tưởng nhớ đến 200 đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Rạch Già.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Chánh đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Bình Chánh trong cuộc kháng chiến chống Pháp cách nay 70 năm. Sau Cách mạng tháng 8-1945, thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam. Nhân dân Việt Nam và nhân dân huyện Bình Chánh nói riêng đã đồng lòng đứng dậy kháng chiến chống Pháp xâm lược. Lúc bấy giờ, Rạch Già (Hưng Long) là địa bàn chiến lược, thuận lợi để lực lượng Cách mạng quân khu, liên xã, cán bộ quân dân - chính Đảng tỉnh huyện đứng chân hoạt động. Để phá vỡ “vũng lõi” cách mạng tại Rạch Già, lúc 6 giờ sáng ngày 4-5-1948, Pháp điều động 2 tiểu đoàn bộ binh, phần lớn là lính Âu Pháp với sự hỗ trợ của nhiều đối tượng ác ôn, tay sai liên tục mở các đợt càn quét, thảm sát hơn 200 đồng bào, chiến sĩ.
Phát huy tinh thần bất diệt của quân và dân Bình Chánh, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện huyện Bình Chánh đã nỗ lực xây dựng và phát triển địa phương, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Từ một huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp trên nhiều mặt vào những năm sau giải phóng, nay Bình Chánh trở thành huyện tiểu thủ công nghiệp. Tổng thu ngân sách năm 2017 của huyện đạt trên 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với năm 2003. Cuộc sống người dân Bình Chánh ngày càng ổn định, con em địa phương đều được tập, có việc làm; rất nhiều hộ dân tiếp cận và áp dụng được công nghệ kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu...