
Hình thành hệ thống tiêu thụ xuyên quốc gia
Tại TPHCM, chỉ trong vòng hơn một tháng, Metro Cash&Carry đã đưa trung tâm bán sỉ và kho dành cho khu vực châu Á vào hoạt động. Vào ngày 14-12, Metro chính thức khai trương Trung tâm bán sỉ mới tại quận 12, với tên gọi Metro Hiệp Phú.
Cách TP 30 phút xe ô tô, trên khuôn viên 55.000m2, khu vực bán hàng có diện tích tới 6.000m2 và bãi đậu xe có sức chứa tới 800 xe, Metro Hiệp Phú quả thật là một điểm lý tưởng cho khách đến mua sắm.
Tổng vốn đầu tư cho trung tâm này tới hơn 15 triệu USD, bao gồm 15.000 mặt hàng, có năng lực phục vụ 3.000-5.000 khách mỗi ngày, từ 6 giờ sáng tới 21 giờ đêm. Metro Hiệp Phú nhắm vào đối tượng chính là các nhà buôn (bán sỉ và bán lẻ cấp 2), các khách sạn, quán bar, nhà hàng; nhà cung cấp thiết bị văn phòng…
Đây cũng là trung tâm bán sỉ thứ 7 của Metro Cash&Carry tại Việt Nam, trải dài từ TPHCM đến Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Metro Hiệp Phú vừa mới khai trương tại quận 12. Ảnh: C.TH.
Vì sao hệ thống Metro khá thành công và phát triển mạnh tại Việt Nam? Trước hết, hệ thống bán sỉ này đã dự báo rất chính xác nhu cầu phát triển của khách hàng.
Giám đốc Metro Cash&Carry tại Việt Nam đã xác định, TPHCM đang phát triển nhanh, không chỉ về dân số mà còn có nhu cầu của các doanh nghiệp, đây chính là những khách hàng tiềm năng.
Do đó, Metro Cash&Carry đã hướng sự phục vụ của mình theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Các trung tâm bán sỉ của Metro Cash&Carry được nghiên cứu kỹ địa điểm đắc địa, vừa là điểm giao lưu của nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực, vừa thuận tiện cho người mua hàng, lại nằm trong những khu vực dân cư có thu nhập cao và ổn định.
Quá trình hình thành mỗi địa điểm bán hàng đều được nghiên cứu kỹ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho yêu cầu phát triển. Metro Hiệp Phú cũng được tính toán, vị trí nằm tại quận 12, nối liền TPHCM với những tỉnh thành quan trọng trong khu vực cũng đang phát triển với tốc độ cao như Bình Dương, Tây Ninh…, do vậy nhu cầu mua sắm rất lớn… và Metro Cash&Carry đã không bỏ qua cơ hội này.
Không chỉ có vậy. Trong tuần này, Metro Cash&Carry cũng chính thức khai trương kho chứa hàng, nhằm tổ chức sản xuất và dự trữ hàng hóa từ Việt Nam đưa vào hệ thống tiêu thụ toàn cầu của tập đoàn.
Điều này giúp cho doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận nhờ chủ động nguồn hàng giao cho khách, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trong nước, bà con nông dân, là những người cung cấp hàng hóa vào hệ thống Metro, có thêm việc làm và thu nhập.
Không chỉ có Metro Cash&Carry đang mở hệ thống thương mại trải dài trên cả nước mà hệ thống Coop Mart cũng đã có mặt hầu hết tại các tỉnh thành trong cả nước. Coop Mart, người bạn của mọi nhà, đã trở nên quen thuộc với phần lớn người tiêu dùng trong nước và cũng là một kênh tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Hệ thống VinatexMart cũng không thua kém, đang phấn đấu đưa hàng chục trung tâm siêu thị mua sắm ở hầu hết các tỉnh thành đô thị vào hoạt động. Trong cuộc đua này, các hệ thống trung tâm mua sắm trở thành hệ thống phân phối hàng hóa quan trọng trên thị trường nội địa, tạo nên thói quen mua sắm mới cho người dân.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại
Việc hình thành các hệ thống phân phối trung tâm và siêu thị cũng đang hoàn thiện bức tranh chung phát triển thị trường trong nước đồng bộ với các hình thức thương mại văn minh và hiện đại.
Quá trình này đã hoàn thiện cơ chế quản lý các ngành hàng và tổ chức hệ thống phân phối theo chức năng; phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ phân phối trên thị trường nội địa, từ bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại; phát triển hài hòa giữa các địa bàn thị trường, từ thành thị đến nông thôn, hài hòa giữa thương mại truyền thống và hiện đại.
Theo Bộ Thương mại, năm 2007, môi trường pháp lý, hệ thống luật pháp và thể chế quản lý, điều tiết vĩ mô về lưu thông hàng hóa trên thị trường phải được hoàn chỉnh để đảm bảo tiêu chí tự do trong kinh doanh, đảm bảo công bằng trong cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật, đặc biệt là tôn trọng các quy luật khách quan của thị trường.
Mặt khác, để phát triển đồng bộ các hình thức thương mại trong nước nhằm phát triển thị trường nội địa, các ngành hữu quan cần sớm ban hành danh mục các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại phạm vi cả nước và nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Với yêu cầu này, Bộ Thương mại đang chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan để hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, hình thành dòng vốn riêng từ ngân sách nhà nước tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Nếu phát triển tốt hạ tầng thương mại sẽ góp phần điều tiết hàng hóa từ vùng này đến vùng kia, từ nơi thừa sang nơi thiếu, tạo điều kiện đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng.
VĂN THIÊN LỘC