Đạo diễn Nguyễn Đức Long: “Tôi làm phim vì thế hệ trẻ hôm nay…!”

  Con người ta sinh thời ai cũng có những hoài bão, ước mơ, bởi đó là khái niệm không phải tốn “đồng xu, cắc bạc” khi mình chỉ nghĩ đến nó. Thế nhưng, để biến ước mơ, đam mê đó thành hiện thực thì hẳn mỗi người không chỉ tốn nhiều tiền mà đôi khi còn phải trả bằng máu và nước mắt. Trường hợp này có phần đúng với đạo diễn trẻ Nguyễn Đức Long, bởi trong anh luôn cháy bỏng một cái tâm, cái tình ước mơ được thực hiện những thước phim về lịch sử dân tộc. Và, bộ phim ký sự: “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” sẽ được khởi chiếu đầu năm 2015, nhân dịp “Sài Gòn 40 năm”, đã phần nào hiện thực hóa được ước mơ của vị đạo diễn trẻ này với mong muốn được góp một phần sức mình nhằm đa dạng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hôm nay. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với anh về câu chuyện làm phim và tham vọng “tiếp lửa” cho giới trẻ hôm nay nhớ về cội nguồn, truyền thống của dân tộc.
Đạo diễn Nguyễn Đức Long: “Tôi làm phim vì thế hệ trẻ hôm nay…!”
Đạo diễn Nguyễn Đức Long: “Tôi làm phim vì thế hệ trẻ hôm nay…!” ảnh 1

Con người ta sinh thời ai cũng có những hoài bão, ước mơ, bởi đó là khái niệm không phải tốn “đồng xu, cắc bạc” khi mình chỉ nghĩ đến nó. Thế nhưng, để biến ước mơ, đam mê đó thành hiện thực thì hẳn mỗi người không chỉ tốn nhiều tiền mà đôi khi còn phải trả bằng máu và nước mắt. Trường hợp này có phần đúng với đạo diễn trẻ Nguyễn Đức Long, bởi trong anh luôn cháy bỏng một cái tâm, cái tình ước mơ được thực hiện những thước phim về lịch sử dân tộc. Và, bộ phim ký sự: “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” sẽ được khởi chiếu đầu năm 2015, nhân dịp “Sài Gòn 40 năm”, đã phần nào hiện thực hóa được ước mơ của vị đạo diễn trẻ này với mong muốn được góp một phần sức mình nhằm đa dạng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hôm nay. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với anh về câu chuyện làm phim và tham vọng “tiếp lửa” cho giới trẻ hôm nay nhớ về cội nguồn, truyền thống của dân tộc.

* Phóng viên: Đạo diễn Nguyễn Đức Long và Hãng phim Việt Long, có lẽ là cái tên còn “khá mới” với nền điện ảnh trong nước. Anh có thể nói gì về chuyện đời, chuyện nghề trước khi “diện kiến” công chúng bằng những tác phẩm đầy kỳ vọng? 

- Đạo Diễn Nguyễn Đức Long:  Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung, vì vậy ký ức trong tôi về miền quê đất Quảng đã in hằn trong tâm trí là vùng đất với mưa bom bão đạn. Lớn lên tôi luôn ấp ủ trong mình được thực hiện những bộ phim về đề tài chiến tranh, truyền thống cách mạng, đó là một cách nhớ ơn các thế hệ cha anh đã ngã xuống, đồng thời mong muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ về truyền thống đó. Và tôi quyết định học đạo diễn, thành lập Hãng phim Việt Long để thực hiện những ước mơ này. Bộ phim ký sự “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” là sản phẩm đầu tiên, là đứa con tinh thần mà tôi “hiện thực hóa” được ước mơ của mình.

* Thể hiện một đề tài lịch sử bằng văn học đã khó, chuyển thể thành kịch bản phim càng không dễ. Anh đã thể hiện bản lĩnh của mình như thế nào để có được một “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” với nhiều dấu ấn như vậy, thưa anh?

- Tôi luôn khát khao được một lần đặt chân tới mảnh đất thiêng này. Khi đã đến đây rồi, tôi mới hiểu sâu sắc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình...”. Ai là người được trở về sống đời hòa bình và biết bao người đã nằm lại ở rừng xanh sâu thẳm hay trên đỉnh cao Trường Sơn bạt gió… Chính điều đó đã thôi thúc tôi làm bộ phim này. Bộ phim nhằm mang đến cho người xem một cái nhìn khái quát về Trường Sơn huyền thoại xưa và nay thông qua những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử cùng những đổi thay của Trường Sơn hôm nay.

Tôi đã lên ý tưởng, đi khảo sát và viết kịch bản mất một năm trời. Rồi từ khi bấm máy cho đến khi “ốp” máy mất trên 100 ngày chưa kể phần hậu kỳ. Phim dài 20 tập, mỗi tập dài 15 phút. Từng tập phim, tôi đã đưa 10 bạn là đoàn viên thanh niên đến từ 10 tỉnh thành khác nhau trên cả nước, trong đồng phục áo xanh đoàn viên, mũ tai bèo, dép râu, quấn khăn rằn… về thăm và ôn lại tinh thần bất khuất của thế hệ cha anh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; đi qua các di tích lịch sử và chứng tích: như ngã ba Đồng Lộc, sân bay Tà Cơn, nhà lao Pleiku, nhà ngục Kon Tum, nhà đày Buôn Ma Thuột, đồi 722, khu căn cứ Tà Thiết… Chủ đề nội dung trong mỗi tập hay giữa các tập phim uyển chuyển theo hành trình chuyến đi, hoặc dừng lại ở chuỗi các nhân chứng, sự kiện liên quan tới một vấn đề như ghé thăm các di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, các nhà lao, nhà tù; đến thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng, giao lưu với bộ đội biên phòng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số nhân chứng điển hình đang sinh sống dọc dãy Trường Sơn…

Các bạn đoàn viên thanh niên thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Trâm tại Nghệ An

* Anh nghĩ thế nào khi các “diễn viên” tham gia trong phim là những đoàn viên thanh niên đi dép râu, khăn rằng, mũ tai bèo và…đi bộ suốt hành trình chứ không phải là những diễn viên nổi tiếng? Tham vọng cũng như thông điệp mà anh muốn nhắn gửi trong “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” này là gì?

- Nói về diễn viên, tôi chọn 10 bạn trẻ của 10 tỉnh thành trong cả nước với các tiêu chí: phải là đoàn viên thanh niên và đã từng tham gia diễn xuất qua một vài bộ phim, để tham gia. Chúng tôi bắt đầu từ cột mốc Km số 0 tại Tân Kỳ (Nghệ An) và đi bộ dọc đường mòn Hồ Chí Minh ròng rã trong 100 ngày đến điểm cuối đường mòn là Lộc Ninh (Bình Phước). Chọn các em tham gia phim là tôi có tham vọng “truyền lửa” cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu về quá khứ hào hùng, truyền thống cách mạng của dân tộc. Nhắc lớp trẻ luôn kiên  định đi trên con đường của Đảng của Bác đã chọn, và một phần đó chính là “Đường mòn Hồ Chí Minh” đang hiện diện trong hành trình mà các bạn đang thực hiện bộ phim.

* Anh có nghĩ mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư nhiều tiền của để sản xuất những bộ phim ký sự, tài liệu, trong khi dòng chảy của điện ảnh tư nhân hiện nay phần lớn nghiên về các đề tài thương mại “tiền tươi thóc thật”? 

- Trong thời buổi hiện nay phần lớn các hãng phim điều chạy theo xu hướng phim thị trường, riêng tôi có suy nghĩ khác. Tôi muốn chọn cho mình hướng đi riêng. Hướng đi với thể loại phim ký sự, phim tài liệu là vô cùng khó khăn, nhưng khi đã chọn là mình phải “hy sinh”, còn chuyện “lấy thu bù chi” như thế nào thì tính sau… Người làm phim về đề tài lịch sử thì chỉ có “cái tâm”, tôi muốn tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về quá khứ hào hùng của dân tộc, phải có trách nhiệm kế thừa gánh vác lịch sử... chứ không có lợi nhuận gì ở đây.

Con đường vẫn lặng im không nói. Người nằm xuống đâu còn thao thức gì với những được mất hôm nay. Nhưng, nằm sâu dưới lòng đất của đường Trường Sơn hôm nay là xương máu của cha anh, là cả một quá khứ hào hùng của dân tộc mà chúng ta hôm nay không được phép quên. Và ký sự “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình” ra đời cũng với tâm thế đó. Bộ phim đang được các đài PTTH trên cả nước chọn phát sóng trong dịp “Sài Gòn40 năm” sắp tới.

Tất cả 10 đoàn viên thanh niên cùng vượt suối băng đèo trong hành trình 100 ngày “xẻ dọc Trường Sơn”

* Nói như vậy có thể hiểu rằng, Hãng phim Việt Long sẽ tiếp tục theo đuổi mảng đề tài phim ký sự, tài liệu, như thể tạo một sự khác biệt mới, một cái tâm “tri ân” với quê hương, đất nước? Vậy anh có thể chia sẻ dự án phim sắp tới của Việt Long năm 2015 là gì?

- Nếu nói vậy thì lớn lao quá, tôi nghĩ rằng mình sẽ cố gắng hết sức để có những bộ phim hay phục vụ khán giả. Đầu năm 2015 Việt Long sẽ bấm máy bộ phim “Triều đại Quang Trung - Nguyễn Huệ”, tiếp sau đó là bộ phim “Biển khóc”…

* Xin cảm ơn anh!

Trung Việt (thực hiện)

 NGƯỜI TRONG CUỘC NÓI GÌ?

MC Nguyễn Đào Thúy Ngân: Phải gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc

Đạo diễn Nguyễn Đức Long: “Tôi làm phim vì thế hệ trẻ hôm nay…!” ảnh 5

Tôi rất may mắn được tham gia bộ phim ký sự “Đường Trường Sơn huyền thoại thời hòa bình”. Tôi là một trong 10 đoàn viên cùng “xẻ dọc Trường Sơn” trong 100 ngày làm ký sự trên. Là người sống trong hòa bình tôi chưa chứng kiến trực tiếp những cảnh bom đạn khói lửa của chiến tranh, nhưng khi cùng các bạn thanh niên đi trên con đường Trường Sơn huyền thoại ấy, mới thấy mình quá nhỏ bé, quá tầm thường với những gì cha ông đã hy sinh giành lại sự bình yên hạnh phúc cho hôm nay. Đã bao lần tôi được nghe thầy cô giảng về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, nhưng khi được tận mắt chứng kiến nơi các chị ngã xuống khi cơm chưa kịp ăn, lá thư nhà chưa kịp đọc, một ước mơ nhỏ nhoi được gội đầu bằng nước bồ kết cũng chưa kịp làm… thì nước mắt tôi đã chảy dài, tim rung lên, gối tôi như quỵ xuống khi đứng trước di ảnh các chị. Liệu rằng, 50 năm hay 100 năm nữa, lớp trẻ sẽ tìm thấy gì khi lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả, có chăng chỉ còn qua lời kể với những cột mốc thời gian. Với tôi, một ngày đi dọc đường Trường Sơn là hạnh phúc cả một đời khi được trực tiếp chứng kiến những gì cha ông đã hy sinh để đem lại hòa bình. Và tuổi trẻ của chúng tôi hôm nay để báo đáp một phần công ơn của cha anh không có cách nào hơn là nguyện không ngừng học tập, tu dưỡng, phải gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

 Quốc Việt (ghi)

 

Tin cùng chuyên mục