Từ năm 2010 trở về trước, 24 trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) trên địa bàn các quận, huyện ở TPHCM đều thuộc quyền quản lý của Phòng GD-ĐT địa phương. Song, kể từ tháng 9-2010, tất cả đã quy về một mối, trực tiếp chịu sự điều hành và quản lý của Sở GD-ĐT TPHCM. Sau hơn 1 năm thay đổi cơ chế hoạt động, công tác đào tạo của hệ GDTX đã bước đầu đi vào ổn định, gặt hái nhiều thành quả ngoài mong đợi. Hàng chục cơ sở được sửa chữa, xây mới, đời sống của đại bộ phận giáo viên được cải thiện…
Nhiều tiến bộ
Số liệu thống kê từ Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2011, tổng số biên chế cán bộ, giáo viên của 24 TT GDTX trên địa bàn các quận, huyện đã tăng thêm 190 người, từ 480 người của năm 2010 tăng lên 670 người vào cuối năm 2011. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2012.
Nguyên nhân được giải thích là do trước đây, khi còn chịu sự quản lý của Phòng GD-ĐT 24 quận huyện, các TT GDTX thực hiện theo chế độ khoán nhân sự, mỗi nơi được phân bổ đồng đều 20 nhân sự, không phân biệt khu vực trung tâm hay ngoại thành. Điều này vô hình trung đã tạo nên sự bất bình đẳng trong nhu cầu và thực tế đào tạo, dẫn đến tình trạng nơi thừa nhân lực nơi tìm không ra người.
Đó là chưa kể nguồn kinh phí phân bổ khi đó phụ thuộc hoàn toàn vào số định biên nhân sự này, ngoài ra không có thêm bất kỳ nguồn kinh phí không thường xuyên nào chi cho các hoạt động sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Giám đốc một TT GDTX (xin được giấu tên) trên địa bàn TP cho biết, mỗi khi trung tâm có nhu cầu sửa chữa nhỏ hoặc bổ sung trang thiết bị phải làm đơn xin từ nguồn ngân sách chi không thường xuyên của quận. Song, do nguồn kinh phí có hạn nên cơ sở vật chất thường không đáp ứng nổi nhu cầu, thầy trò phải học tập trong những căn phòng ẩm thấp, trang thiết bị xuống cấp trầm trọng, phòng thực hành các môn Lý, Hóa, Sinh hoạt động cầm chừng trong cảnh giật gấu vá vai.
Tuy nhiên, từ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, chế độ khoán định biên nhân sự đã được bãi bỏ. Thay vào đó, Sở GD-ĐT TP thực hiện chế độ phân bổ biên chế theo nhu cầu và quy mô đào tạo của từng quận, huyện. Đối với một số TT GDTX có quy mô đào tạo lớn như quận 12, Tân Phú, quận 1, số lượng biên chế đã tăng thêm đáng kể. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của TT GDTX quận Tân Bình, từ con số biên chế 20 người của năm 2010 đã tăng lên 41 người vào năm 2011.
Ngoài ra, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP, bên cạnh nguồn kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động của hệ GDTX, trong năm 2011, ngân sách thành phố còn dành hơn 6 tỷ đồng chi cho các hoạt động không thường xuyên của các trung tâm như sửa chữa, cải tạo cơ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.
Chỉ tính riêng trong năm 2011 đã có 5 dự án cải tạo, xây dựng mới trung tâm được khởi công xây dựng, nâng tổng số phòng học của 24 TT GDTX quận, huyện trên địa bàn TP tăng thêm 75 phòng. Đó là các dự án xây dựng TT GDTX quận 10, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 2 và Thủ Đức. Ngoài ra trước đó, trong năm 2010 cũng có 2 dự án xây dựng mới TT GDTX được khởi công xây dựng bao gồm TT GDTX huyện Nhà Bè và TT GDTX quận Bình Thạnh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm nay.
Hội nhập và phát triển
Nguồn lực đã có, song theo đánh giá của nhiều giám đốc trung tâm, tâm lý xã hội hiện nay vẫn đang là lực cản lớn nhất cho con đường phát triển của hệ đào tạo GDTX.
Ông Giảng Văn Chải, nguyên Phó Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP, nay là Giám đốc TT GDTX quận Bình Thạnh, bày tỏ, ngay từ trong tâm lý của những người làm công tác giáo dục nhiều năm qua vẫn tồn tại sự phân biệt giữa hệ GDTX và giáo dục phổ thông. Bản thân ông khi chuyển công tác từ một trường THPT về một TT GDTX “mưa xuống là nước ngập cao hơn nửa mét” gần một năm trở về trước cũng gặp không ít khó khăn và áp lực.
Song, điều đáng nói là mặc dù Sở GD-ĐT đã có chính sách tăng cường đội ngũ cán bộ, giáo viên của hệ GDTX bằng cách luân chuyển công tác một số cá nhân chủ chốt từ hệ giáo dục phổ thông, kéo gần khoảng cách giữa hai hệ đào tạo nhưng vẫn chưa có nhiều trường hợp giáo viên nhận lời chuyển công tác. Mặt khác, theo quy định của giáo dục phổ thông, tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp ở bậc THPT là 2,25 thì con số này trên thực tế ở hệ GDTX chưa đến 1 giáo viên/lớp.
Bên cạnh đó, “học sinh GDTX phần đông đều có hoàn cảnh đặc biệt như nhà nghèo, cha mẹ ly tán... nên không coi trọng chuyện học hành, do đó nếu người giáo viên không có đủ tâm và tài, đào tạo sẽ gặp khó” - ông Lâm Kế Chí, Giám đốc TT GDTX quận 1 chia sẻ. Biểu hiện rõ nét nhất cho điều này là hàng năm, tỷ lệ tốt nghiệp của bậc phổ thông luôn cao hơn GDTX, trong khi đó số lượng học sinh bỏ học của hệ GDTX lại luôn nằm ở vị trí dẫn đầu. Do đó, ngoài mục tiêu bổ túc văn hóa, GDTX còn “gánh” thêm một số mục tiêu quan trọng khác như xóa mù chữ, phổ cập văn hóa, liên kết đào tạo nghề cho học viên…
Tuy nhiên, sau rất nhiều cố gắng kéo gần khoảng cách giữa hai hệ đào tạo của cơ quan chủ quản, giám đốc các TT GDTX đều phấn khởi cho biết, bức tranh đào tạo của hệ GDTX bước đầu đã có nhiều khởi sắc. Mối quan hệ giữa TT GDTX và các trường phổ thông ngày càng được gắn chặt thông qua các hoạt động hội thao, hội giảng.
Học viên hệ GDTX hiện nay có thể bình đẳng tham gia mọi hoạt động tổ chức phong trào như học sinh THPT, tiến đến việc học tập bình đẳng, có chung đề thi giữa hai hệ đào tạo. Mục tiêu, đồng thời cũng là mong mỏi chung của tất cả những người làm công tác GDTX hiện nay là phấn đấu đến năm 2020, khoảng cách giữa hai hệ đào tạo sẽ được xóa bỏ hoàn toàn, góp phần cung cấp nguồn tri thức chất lượng tốt hơn cho xã hội.
Thu Tâm