Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp)

Đào tạo học sinh giỏi từ nhiều học sinh... chưa giỏi

Đào tạo học sinh giỏi từ nhiều học sinh... chưa giỏi

Vượt lên nhiều khó khăn, 15 qua, Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp) luôn là một trong các đơn vị dẫn đầu của ngành giáo dục (GD) TPHCM. Báo SGGP đã trò chuyện với cô Lê Thị Hồng Việt – Hiệu trưởng nhà trường - trước thềm năm học mới.

* Phóng viên: Theo cô, đâu là những điều kiện quyết định giúp Trường Nguyễn Du đạt được thành tích trên trong nhiều năm?

Đào tạo học sinh giỏi từ nhiều học sinh... chưa giỏi ảnh 1

Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Việt cùng các em HS trường Nguyễn Du đạt giải HS giỏi cấp TP năm học
2006-2007.

* Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Việt: Phương tiện và cũng là mục tiêu để chúng tôi hoàn thành tâm nguyện của mình, trước hết là vấn đề GD toàn diện. Cần tạo cho học sinh (HS) một cảm hứng toàn diện để các em háo hức đến trường. HS không chỉ giỏi Toán, Lý, Hóa, mà còn nên là cầu thủ bóng đá, danh thủ cờ vua. Muốn làm Văn hay, các em phải có kiến thức từ cuộc sống... Để GD toàn diện, cần xem tổ chức Đoàn, Đội là đặc trưng của trường THCS, và đầu tư cho các hoạt động ngoài giờ như: thăm các địa chỉ đỏ, bảo tàng cách mạng; các vùng quê văn hóa, lịch sử; xem phim lịch sử, nghệ thuật; tham quan dã ngoại, để HS hiểu biết thêm về cuộc sống và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng…

Tiếp đó, là xây dựng tập thể giáo viên (GV) đoàn kết, toàn tâm toàn ý, có trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp GD và gắn bó với trường. Lãnh đạo nhà trường từng bước giúp GV trở thành những nhà GD trên mọi phương diện - biết dạy HS bằng cả phong cách, lối sống, tâm hồn, kiến thức; dạy các em làm người, có tài, có đức, có nhân cách, lối sống lành mạnh và toàn diện. Mặt khác, có mục tiêu hoạt động rõ ràng cho từng giai đoạn. Kiểm tra, đánh giá, khích lệ bằng thi đua biểu dương, khen thưởng. Ngoài ra, lãnh đạo trường cần biết lấy ưu điểm để xóa khuyết điểm; tin tưởng giao việc để nâng cao lòng tự trọng, tự tin của từng GV, công nhân viên. Đặc biệt, phải nắm sát, vận dụng sáng tạo và năng động mọi chủ trương của Đảng, nhà nước và các cấp lãnh đạo. Học tập những mặt mạnh, mặt hay và phù hợp của các trường cả trong và ngoài nước…

* Từ 109 HS ban đầu với một “cơ sở tạm”, nay trường Nguyễn Du có một cơ sở khang trang được xây với kinh phí trên 10 tỷ dồng và có gần 1.600HS. Có ý kiến cho rằng, trường đã “hút” hết các HS giỏi từ các trường khác. Vậy Trường Nguyễn Du có phải là lò đào tạo HS giỏi theo kiểu “gà nòi”?

* Khi Trường chuyên Nguyễn Du mới thành lập, ít có GV và HS muốn đến dạy và học. Về sau, do hiệu quả đào tạo, trường ngày càng thu hút HS. Cạnh đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, dù là trường chất lượng cao vẫn phải nhận 50% HS đại trà. Chúng tôi quan niệm, trường chất lượng cao không chỉ có đầu vào là chất lượng cao, mà trường phải làm một nhiệm vụ thiêng liêng là đào tạo những HS chưa giỏi, trung bình hoặc yếu bằng phương pháp tối ưu, bằng đầu tư cao với tất cả tấm lòng, để giúp các em trở thành HS giỏi. Đồng nghiệp chúng tôi thường nhắc nhau: Một HS chưa ngoan, chưa giỏi mới chính là đối tượng của nhà GD.

* HS của Trường Nguyễn Du có cần đi học thêm? GV có dạy thêm?

* Trường áp dụng chương trình học 2 buổi/ngày, và phương châm là nâng cao chất lượng trên từng tiết học chứ không phải tăng tiết. HS Nguyễn Du được học một chương trình nhẹ nhàng, nhưng chất lượng, hiệu quả nên không cần học thêm.

Lãnh đạo nhà trường cũng rất quan tâm đến đời sống GV. Hiện thu nhập trung bình của GV hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn những đợt thưởng thường kỳ và đột xuất để động viên. Nhờ mọi người toàn tâm toàn ý, nên suốt 15 năm qua trường liên tục là đơn vị đi đầu của GD TP. Năm học 2006 – 2007, trường lại vui mừng nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND TPHCM.

* Cảm ơn cô. Xin chúc Trường Nguyễn Du tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp trong năm học mới. Kính chúc quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, để tiếp tục sự nghiệp “trồng người” cao quý.

Diệu Anh thực hiện 

Tin cùng chuyên mục