Đào tạo liên thông, liên kết - Buông lỏng, thiếu quy chuẩn

Sinh viên chịu thiệt
Đào tạo liên thông, liên kết - Buông lỏng, thiếu quy chuẩn

Việc liên thông, liên kết đào tạo ở các trường ĐH-CĐ hiện nay được các trường đẩy mạnh về quy mô để tạo thêm nguồn thu. Tuy nhiên, đó cũng là lý do khiến nhiều trường bất chấp quy định, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, chất lượng giảng dạy đang bị thả nổi. 

Sinh viên chịu thiệt  

Theo phản ánh của nhiều sinh viên ngành quản trị kinh doanh DQ2, khóa 40 (2007-2011) do Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM liên kết đào tạo với ĐH Thương mại Hà Nội, đợt thi kết thúc môn hồi tháng 3 vừa qua nhà trường thông báo thi vào lúc 18 giờ ngày, nhưng do thầy từ Hà Nội vào sớm hơn dự kiến, và cũng để thầy... tranh thủ thời gian đi giải quyết việc riêng nên Khoa Tại chức Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại thông báo thay đổi lịch thi từ 18 giờ sang 16 giờ.

Tuyển sinh hệ liên thông, liên kết chưa được một số trường quan tâm đúng mực. Ảnh: H.M.
Tuyển sinh hệ liên thông, liên kết chưa được một số trường quan tâm đúng mực. Ảnh: H.M.

Lịch thi thay đổi đột ngột khiến nhiều sinh viên khóa 40 bị động do phần đông sinh viên phải làm việc theo giờ hành chính (17 giờ mới xong việc) nên nhiều sinh viên bị rớt vì không đi thi hoặc đến trễ giờ thi. Sinh viên N.T.T.H cho biết, nhà trường thay đổi lịch thi không chỉ một lần. Nhà trường thay đổi lịch thi chỉ vì để làm vui lòng thầy mà không nghĩ đến những cái khó của sinh viên mỗi khi có sự xáo trộn bất ngờ.

Chưa hết, chương trình giảng dạy còn bị trường rút ngắn khi học dồn 4 tín chỉ (khoảng 60 tiết) học trong 1 tuần, nên không ít sinh viên không theo kịp dẫn đến thiếu điểm và bị nợ môn. Nhiều sinh viên thi rớt môn học đành phải đóng tiền đăng ký học theo chương trình đào tạo từ xa để trả nợ, nhưng phải chờ đủ người thì ĐH Thương mại Hà Nội mới xếp lịch...

Chuyện sinh viên các lớp liên thông, liên kết vừa học vừa làm luôn bị động với thời khóa biểu của giảng viên là chuyện... “thường ngày ở huyện”. Sinh viên N.T.T.A, đang theo học lớp cử nhân Anh văn của Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn cho hay, không chỉ học ở địa điểm thuê mướn mà thời khóa biểu cũng “nắng mưa” thất thường. Cô nói: “Nhiều khi đi làm về tranh thủ đến trường ngồi chờ vào lớp để học nhưng lại nhận được tin nhắn thông báo hôm nay nghỉ vì thầy... bận công chuyện”. Nhiều sinh viên học hệ liên thông tại Trường ĐHDL Hùng Vương, Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình 2 (quận 5, TPHCM) cho biết,  họ cũng bở hơi tai vì lịch học liên tục thay đổi, học dồn để kịp tiến độ.

Nhiều sinh viên dở khóc dở cười khi biết mình đã lỡ đóng tiền theo học các lớp đào tạo chui. Chuyện thật như đùa khi Công ty Cổ phần Bách Nghệ (cơ sở Bách Nghệ) mượn danh nghĩa liên kết với 2 trường cao đẳng nghề, một tại TPHCM, một tại Đồng Nai, tự ý thông báo chiêu sinh, mở các lớp đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng với thời gian học 1,5 năm, được cấp bằng cao đẳng... Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên hiện đã học quá 2 năm rồi nhưng nhà trường vẫn buộc đóng học phí để học tiếp. Không chỉ có tuyển sinh chui, công ty này còn tự ý cắt xén nhiều môn học trong chương trình giảng dạy nhưng cả hai trường liên kết cũng không hề hay biết. Sự việc trên đã được Báo Sài Gòn Giải Phóng phản ánh từ tháng 1 năm 2010 nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa giải quyết.

Quản lý không xuể

Thực tế cho thấy, việc liên thông, liên kết đào tạo hiện nay được các trường xem là thị trường béo bở để tranh thủ kiếm thêm nguồn thu. Cũng vì nguồn thu mà nhiều trường rất... cởi mở nhằm mời gọi hợp tác, liên kết dẫn đến không kiểm soát nổi đối tác mình làm ăn có đúng hay không. 

Lý giải về việc tại sao nhà trường thay đổi lịch thi đột ngột, buộc sinh viên thi rớt môn phải học lại theo hình thức đào tạo từ xa, đại diện Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM giải thích: Nhà trường thay đổi lịch thi là vì các giảng viên Trường ĐH Thương mại Hà Nội vào gấp quá và cũng vì các thầy muốn sinh viên thi sớm để có thời gian đi thăm bà con. Còn việc sinh viên thi rớt phải học lại theo hệ đào tạo từ xa là chuyện bất đắc dĩ vì các khóa sau trường tuyển sinh không được. Hơn nữa, mỗi môn chỉ có vài sinh viên nợ, nếu nhà trường tổ chức lớp mời các thầy từ Hà Nội vào dạy thì... lỗ nặng.

Cũng với cách lý giải tương tự, Trường ĐHDL Hùng Vương TPHCM cho rằng, do khóa liên thông 2008-2012 và khóa 2009-2013 có ngành chỉ tuyển được vài thí sinh nên không thể mở lớp mà buộc lòng các em phải chịu học ghép theo thời khóa biểu của sinh viên hệ chính quy.

Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên của cơ sở Bách Nghệ, dường như họ không có lối thoát ngoài việc chấp nhận tiếp tục đóng học phí để học đúng 3 năm. Chúng tôi được biết, dù 2 trường liên kết với cơ sở này đã rà soát và phát hiện đơn vị này làm ăn không đàng hoàng, nhưng dường như họ cố tình lờ đi mọi chuyện.

Thực tế cho thấy, không chỉ các trường ĐH-CĐ tại TPHCM mà rất nhiều trường trên cả nước đã có sai phạm trong việc đào tạo bằng hình thức liên kết liên thông. Mới đây, qua kiểm tra, thanh tra Bộ GD-ĐT đã phát hiện hàng loạt trường liên kết đào tạo sai đối tượng, thậm chí liên kết với những đơn vị không có chức năng hoặc không được phép tổ chức đào tạo, cấp bằng như các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục