Đào tạo nghề ở Đức: Một giải pháp, hai thành công

Hệ thống đào tạo nghề song song với 2/3 giờ thực hành tại doanh nghiệp, nhà máy và 1/3 giờ lý thuyết đang là mô hình giáo dục - đào tạo hiệu quả tại Đức, cung cấp nhân công ngay lập tức cho thị trường lao động đang thiếu trầm trọng sau đại dịch Covid-19, đồng thời giải quyết vấn đề già hóa dân số về lâu dài.

Tầm nhìn nhân văn

Học viên vừa học vừa làm, nhận lương sau khi trừ thuế và bảo hiểm khoảng 700-900EUR/tháng - vừa đủ chi phí sinh hoạt; kết thúc chương trình học nghề từ 2-3 năm là có bằng chuyên môn, được xin việc toàn thời gian với mức lương khá so với mặt bằng chung các nước châu Âu. Các kiến ​​thức lý thuyết được áp dụng ngay vào các buổi thực hành tại cơ sở dịch vụ. Học viên sẽ hiểu cách doanh nghiệp hoạt động và có cơ sở thực tế về nghề mình đang được đào tạo.

Với khoảng 325 loại nghề đào tạo được công nhận ở Đức, các học viên dễ dàng tìm được một khóa đào tạo như mong muốn và phù hợp với khả năng của mình. Các ngành nghề được đông người chọn học nhất là nghiệp vụ bán hàng, nhà hàng khách sạn, chăm sóc y tế, làm đẹp. Hình thức vừa học vừa làm mang đến cho học viên cơ hội tốt có việc làm ngay, khoảng 2/3 học viên Đức chọn học nghề song song. Một số trường đại học thực hành cũng được thành lập mới và có ngay sinh viên theo học.

Học viên của Trung tâm Đào tạo nghề xây dựng và kỹ thuật bang Sachsen trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: NAM VINH

Học viên của Trung tâm Đào tạo nghề xây dựng và kỹ thuật bang Sachsen trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: NAM VINH

Trong chuyến thăm cơ sở đào tạo mới của Công ty vận tải Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nghề đối với mỗi cá nhân và đối với tương lai của cả nước. Phương pháp vừa học vừa làm trong vài năm được áp dụng hiệu quả để có đủ nguồn nhân lực trẻ trình độ tốt.

Theo Thủ tướng Olaf Scholz, điều quan trọng là phải thuyết phục được nhiều bạn trẻ theo học nghề vì “dạy nghề cực kỳ quan trọng đối với nước Đức”, và quan trọng nữa là thu hút giới trẻ nước ngoài.

Hệ thống dạy nghề song song đem lại cho xã hội Đức nguồn lao động trẻ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu thiếu nhân lực trầm trọng do một số người lao động đã chuyển đổi công việc trong thời gian đại dịch Covid-19, do tình trạng già hóa, tỷ lệ sinh thấp.

Mở rộng quy mô đào tạo

Hiện 40% doanh nghiệp được phép đào tạo của Đức đã tuyển dụng học viên từ các nước khác vào học nghề, theo khảo sát của Hiệp hội Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức. Số lượng học viên là người nước ngoài cũng tăng hẳn so với các năm về trước.

Nguyên nhân chính là còn dư quá nhiều chỉ tiêu đào tạo, đặc biệt trong các ngành thủ công như chế biến bánh kẹo, thực phẩm, xây dựng, cơ khí, chăn nuôi và trồng trọt. Giữa năm 2023, vẫn còn khoảng 250.000 chỉ tiêu đào tạo nghề chưa tìm được học viên vì nhiều lý do, trong khi vẫn có 137.000 học viên đang tìm vị trí học nghề phù hợp.

Vì thế, các doanh nghiệp và trường dạy nghề cấp tốc tìm nguồn nhân lực đào tạo mới từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước đang phát triển. Các quy định đào tạo nghề được nới lỏng và các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng cấp visa học nghề cho những trường hợp đủ tiêu chuẩn (có trình độ tiếng Đức B1, tối thiểu 18 tuổi, có hợp đồng học nghề tại cơ sở đào tạo được cấp phép).

Rất nhiều cơ sở ở Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác đưa học viên học nghề sang Đức theo chương trình dạy nghề song song vừa học vừa làm. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia ZDF, Thảo Trần, hiện đang học và làm tại một hãng bánh mì và bánh ngọt ở bang Thüringen, hào hứng nói: “Em thấy phương pháp đào tạo này rất thú vị, và em muốn được tiếp tục ở lại nước Đức làm việc”.

Nguyễn Việt, 20 tuổi, đến từ TPHCM đã quyết tâm theo học khóa tiếng Đức B1 kéo dài 1 năm tại Hà Nội, đến Berlin từ đầu năm 2023 vừa học vừa làm bếp Á, cũng rất vừa ý vì có được chỗ thực hành trong một nhà hàng Việt và ở gần họ hàng.

Lê Phượng, 30 tuổi, y tá ở Vinh đã chủ động học và thi bằng B2 tiếng Đức để tự đệ đơn học điều dưỡng tại Berlin, sau khi tốt nghiệp cũng tìm ngay được việc làm toàn thời gian, lương tốt và ổn định. Đầu vào của chương trình đào tạo nghề song song ở Đức không dễ, đòi hỏi học viên phải có nền kiến thức tiếng Đức tốt, nhưng cùng với sự chăm chỉ, nghiêm túc trong quá trình học và hành thì hầu như học viên học nghề đều có cuộc sống ưng ý trên nước Đức.

Theo Cục Thống kê Liên bang Đức, năm 2018 có 60.786 học viên mang hộ chiếu nước ngoài trong số tổng cộng 519.564 hồ sơ học nghề được duyệt, gấp đôi so với năm 2009. Năm 2022, con số này là 54.825, tăng 11% so với năm 2021- 51.786. Hết năm 2022, con số này giảm xuống do ảnh hưởng của Covid-19, lần lượt là 129.672 (với 14.500 người từ châu Á) trong tổng số 1.216.305 học viên toàn liên bang.

Tin cùng chuyên mục