Đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế - Con đường để vào “ngôi nhà chung” ASEAN

Chuẩn đầu ra: Mỗi nơi một kiểu
Đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế - Con đường để vào “ngôi nhà chung” ASEAN

Chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng ASEAN và rào cản về việc làm, thị trường lao động nội địa sẽ bị phá bỏ. Vậy chúng ta đã chuẩn bị hành trang về chuẩn trình độ nghề cùng tiếng Anh chuyên ngành như thế nào để lao động trẻ có thể thích ứng, cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm ở khu vực?

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm học khóa SP-IT - chương trình đào tạo theo chuẩn của Singapore, trong giờ thực hành làm bài tập theo nhóm.

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm học khóa SP-IT - chương trình đào tạo theo chuẩn của Singapore, trong giờ thực hành làm bài tập theo nhóm.

Chuẩn đầu ra: Mỗi nơi một kiểu

Thời gian qua, nhiều trường cao đẳng và đại học (CĐ-ĐH) có đào tạo nghề đã chủ động xây dựng chuẩn đầu ra và từng bước tiếp cận chuẩn CDIO quốc tế. Đây là xu hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp theo chuẩn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn, hội đủ các kỹ năng, biết làm việc của doanh nghiệp.

Trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, nhà trường sẽ thiết kế chương trình, phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm… Tuy việc xây dựng chuẩn đầu ra theo tiêu chí CDIO đã được nhiều trường khởi động và áp dụng nhưng nhìn lại mỗi nơi một kiểu và chất lượng thì thả nổi, khó thẩm định.

Tại hội thảo khoa học “Xây dựng chuẩn đầu ra: Kinh nghiệm và giải pháp” do Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng chuẩn đầu ra để đánh giá đúng chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội là cấp thiết. Tuy vậy, điều khiến nhiều trường làm tốt băn khoăn đặt vấn đề là: “Hiện có nhiều trường xây dựng chuẩn đầu ra giống nhau hoặc “ngó nhau để làm” theo kiểu phong trào và ai thẩm định chất lượng?”.

Một khi việc xây dựng chuẩn đầu ra không dựa vào năng lực thực tế, hiệu quả đào tạo thì những trường này chỉ hô to - “bắn chỉ thiên” là chính. Thực tế này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về bức tranh đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề nhìn chung còn bất cập, hiệu quả thấp và được minh chứng bằng thực tế: đầu ra nhiều nhưng tỷ lệ có việc làm không cao.

Ngay cả khi đã tuyển dụng ứng viên vào làm việc nhưng nhiều doanh nghiệp cũng không biết lấy tiêu chí nào để đánh giá năng lực nghề nghiệp của người lao động. Chính vì thế, cùng với việc xây dựng chuẩn đầu ra, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ thống chuẩn quốc gia về đánh giá năng lực nghề nghiệp và tổ chức các kỳ thi quốc gia cho từng nghề.

Hiện nay, ở các nước phát triển có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều có chuẩn đánh giá năng lực nghề nghiệp và người lao động có chứng chỉ nghề quốc gia được đánh giá cao về tay nghề, kỹ năng làm việc. Còn ta, đã đi chung trên con đường hội nhập quốc tế nhưng… tự thụt lùi, đánh giá theo chuẩn riêng hoặc nửa vời, vì sao?

Mở rộng chương trình đào tạo nghề tiên tiến

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, họ đã có quyết sách đúng và kịp thời chuyển đổi hệ thống dạy nghề theo xu hướng đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đòi hỏi của thị trường lao động.

Giảng viên người Nhật, ông Fukuo Suzuki hướng dẫn kỹ thuật dũa cho sinh viên khoa cơ khí Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Giảng viên người Nhật, ông Fukuo Suzuki hướng dẫn kỹ thuật dũa cho sinh viên khoa cơ khí Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Ông Mark Howland, đại diện Bộ Giáo dục và Cộng đồng bang New South Wales (Úc) cho biết: “Trước đây hệ thống dạy nghề của Úc cũng bị xã hội phê phán vì phản ứng chậm, không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Sau đó, chúng tôi đã thay đổi, thành lập 11 hội đồng công nghiệp và các hội đồng này có nhiệm vụ cung cấp thông tin chiến lược, đưa ra lời khuyên cho chính phủ, doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực và những đòi hỏi khắt khe về đào tạo nghề, kỹ năng nghề nghiệp của người học, giải pháp giải quyết đầu ra hiệu quả…”.

Nhờ vậy, hệ thống dạy nghề của Úc không chỉ phát triển nhanh và cho ra những sản phẩm tốt, có năng lực, nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp và được thị trường lao động đánh giá cao.

Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng coi trọng việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao để tăng tốc phát triển, trở thành một trong những con rồng của châu Á. Để thay thế lực lượng lao động giá rẻ, họ đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chiếm lĩnh công nghệ bằng việc đầu tư đào tạo nghề cộng thêm tiếng Anh chuyên ngành.

Nhờ sự đột phá này, Đài Loan đã có nguồn nhân lực giỏi nghề, giỏi tiếng Anh chuyên ngành đào tạo và lực lượng này đã chiếm lĩnh công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn cho lãnh thổ.

Từ kinh nghiệm nêu trên của các nước phát triển, từ năm học 2014 này, Sở GD-ĐT TPHCM và Bộ Giáo dục và Cộng đồng bang New South Wales (Úc) sẽ phối hợp triển khai dự án liên kết đào tạo nghề chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Theo đó, ngoài học chương trình đào tạo nghề tiên tiến của Úc, sinh viên của 3 trường thí điểm (CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, Trung cấp chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Cảnh) sẽ được học tiếng Anh chuyên ngành (ESP).

Với hành trang này, sinh viên tốt nghiệp ra trường không chỉ tự tin với năng lực, kỹ năng nghề nghiệp mà còn sử dụng tiếng Anh chuyên ngành thành thạo. Như thế, khi cánh cửa ngôi nhà chung ASEAN mở rộng thì lao động có trình độ kỹ thuật của Việt Nam sẽ dễ dàng hội nhập, tìm được cơ hội việc làm có thu nhập cao.

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, chúng ta không thể tiếp cận chuẩn đào tạo nghề quốc tế và đến đích công nghiệp hóa nếu không đầu tư phát triển tiếng Anh chuyên ngành song song với chương trình đào tạo nghề tiên tiến.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục