Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các KCX-KCN TPHCM , đầu ra làm khó đầu vào

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các KCX-KCN TPHCM , đầu ra làm khó đầu vào

“Mổ xẻ” thực trạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM hiện nay là cả một bài toán dài thiếu lời giải cụ thể. Vòng lẩn quẩn đào tạo, tái đào tạo, thiếu nguồn nhân lực, vẫn là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp.

Vẫn hụt hẫng về chất lượng đào tạo  

Trường Cao đẳng Công nghệ Lilama 2 đào tạo công nhân kỹ thuật cho các KCN-KCX. Ảnh: THÀNH TÂM

Trường Cao đẳng Công nghệ Lilama 2 đào tạo công nhân kỹ thuật cho các KCN-KCX. Ảnh: THÀNH TÂM

Hiện nay, hơn 80% công ty tại các KCX-KCN TPHCM đang buộc phải tuyển công nhân bằng phương pháp “tình thế”, “chữa cháy”, đó là tuyển cho đủ số lượng, tay nghề đào tạo sau. Các nhà đầu tư nước ngoài tại KCX-KCN “kêu gào” công nhân Việt Nam (VN) tay nghề kém, phải tốn tiền đào tạo lại.

Nhà đầu tư Samsung nói rằng nếu như lương công nhân Hàn Quốc từ 150 USD/tháng trở lên thì ở VN, Samsung chỉ trả tối đa từ 40 đến 50 USD/nhân công/tháng. Tuy nhiên, nguồn lao động ở VN chưa đủ tiêu chuẩn, tay nghề yếu và thiếu kỹ năng làm việc cần thiết. Như vậy, lao động giá rẻ chưa chắc đã rẻ!

Ông Trần Ngọc Cang - Giám đốc điều hành Công ty Renesas Design Viet Nam, KCX Tân Thuận cho biết, trong số 150 sinh viên do nhà trường gởi đến, công ty chỉ chọn được 15 người mà trong 15 người đó, châm chước lắm cũng chỉ được… 5 người. “Tôi yêu cầu vẽ hình chiếu của một sản phẩm mà chẳng ai làm được”. Tuy vậy, công ty vẫn nhận 5 người này để đem về… đào tạo lại.

Thực tế, khi các nhà tuyển dụng nước ngoài phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập, họ buộc phải mở những lớp đào tạo ngắn hạn từ 3 tháng đến 1 năm cho công nhân về các chương trình như: làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, lập kế hoạch làm việc và văn hóa ứng xử công ty…

Không chỉ lao động phổ thông, điều đáng buồn là 11,08% lao động có trình độ đại học tại các KCX-KCN TPHCM vẫn phải đào tạo lại các kỹ năng làm việc cơ bản này. Điều đó nói lên một điều, kiến thức học được từ nhà trường không đủ, thậm chí không thể giúp sinh viên, học sinh áp dụng vào thực tiễn một cách căn bản nhất. Có thể nói, chính “đầu ra” từ các trường đại học, dạy nghề đã làm khó cho “đầu vào” của các KCX-KCN. Sở dĩ thực trạng này còn kéo dài là vì trường học của chúng ta đang dạy cho học sinh, sinh viên những gì họ có chứ chưa dạy những gì xã hội thực sự cần.

Cũng xuất phát từ chất lượng thấp, giá nhân công rẻ, nên hiện nay, lao động làm việc trong các ngành đòi hỏi trình độ cao như: cơ khí, công nghiệp phần mềm, công nghệ thông tin, các ngành dịch vụ… tại KCX-KCN TPHCM chỉ chiếm 11,3% trong khi các ngành dệt may, da giày, xây dựng - cầu đường chiếm đến hơn 60%.

Có tiền chưa chắc giải quyết được

Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực các KCX – KCN”, nhiều ý kiến cho rằng, thay đổi phương pháp và chương trình giảng dạy là giải pháp căn cơ nhất. Nhưng đó là vấn đề nan giải, vì chưa chắc có tiền là có thể giải quyết được, giải pháp này đòi hỏi sự đổi mới tư duy và khả năng giảng dạy trong nhà trường vốn vẫn chưa có sự thống nhất và đồng nhất. Việc này cần rất nhiều thời gian và một “cú hích” đúng nghĩa.

Một giải pháp trong tầm tay là nhà trường phải xem hiệu quả học tập là mục đích giảng dạy và sinh viên ra trường tìm được việc làm là mục tiêu cao nhất thì việc liên kết với các doanh nghiệp sẽ được ví như chiến lược kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp là khách hàng của nhà trường và sinh viên là sản phẩm được đào tạo để cung cấp cho khách hàng. Tất nhiên, mối quan hệ này phải được duy trì thường xuyên để đảm bảo cho chương trình dạy và học trong nhà trường vừa toàn diện, hợp lý vừa đảm bảo sát với thực tế.

Đại diện trường Đại học bán công Hoa Sen chia sẻ kinh nghiệm, hàng năm, trường luôn duy trì mối liên hệ với hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước và 50% giáo viên của trường là giám đốc các doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Đặc biệt, trường còn có hẳn một bộ phận marketing để giới thiệu sinh viên cho các nhà tuyển dụng. Mô hình này rất đáng hoan nghênh và học tập trong thời gian tới.

Ngoài ra, phát triển mạng lưới dạy nghề để tăng quy mô và trình độ đào tạo lao động vẫn không thiết thực bằng việc thành lập một trung tâm chuyên đào tạo và cung ứng lao động cho các KCX-KCN tại TPHCM. Trung tâm này sẽ phát triển chi nhánh đến từng KCX-KCN với những chương trình đào tạo thống nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc thuê chuyên gia đến từng doanh nghiệp giảng dạy. Tuy vậy, việc xúc tiến xây dựng một trung tâm chuyên đào tạo và cung ứng lao động cho các KCX-KCN không phải dễ.

Thời gian bàn bạc, làm đề án, chờ đợi duyệt kinh phí đến bắt tay vào xây dựng trung tâm phải mất từ 2 đến 3 năm. Chẳng khác nào, giải pháp cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các KCX-KCN lại tiếp tục rơi vào một vòng lẩn quẩn khác. Theo Ban quản lý KCN VN - Singapore, việc từng KCX-KCN tự đứng ra thành lập một trung tâm đào tạo và cung ứng lao động cho chính khu vực của mình là giải pháp dễ thực hiện nhất.

Võ Quốc Hùng

 
Lương bình quân/tháng của người lao động tại các KCX-KCN TPHCM:
+ Doanh nghiệp trong nước: 850.000 VNĐ
+ Doanh nghiệp nước ngoài: 1.150.000 VNĐ

Thu nhập bình quân/tháng của người lao động:
+ Doanh nghiệp trong nước: 1.250.000 VNĐ
+ Doanh nghiệp nước ngoài: 1.750.000 VNĐ

Đội ngũ lao động thuộc các KCX-KCN TPHCM:
+ Lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 76,42%
+ Lao động trong các doanh nghiệp nhà nước: 23,58%
+ Trình độ đại học: 11,08%
+ Trình độ THCN và cao đẳng: 13,71%
+ Trình độ trung học phổ thông và trung học cơ sở: 71,71%
+ Trình độ tiểu học: 3,5%
 

Tin cùng chuyên mục