Đất nông nghiệp thành… bãi hoang

Đất nông nghiệp thành… bãi hoang

Cách UBND xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) 500m, dọc bên phải hương lộ 80 có những căn nhà cấp 4 và ki-ốt xập xệ. Lách vào một con hẻm nhỏ, phía sau những căn nhà này là một bãi đất trống rộng khoảng 4 ha.

Đất nông nghiệp thành… bãi hoang ảnh 1

Mảnh đất bị bỏ hoang mấy năm nay, cơ sở hạ tầng xuống cấp tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Trên vùng đất trống có 8 căn nhà được xây dựng sơ sài ở bốn trục đường khác nhau. Giữa mỗi phần đất đều được ngăn thành từng lô 4mx16m hoặc 4mx20m bởi những hàng gạch cao chưa tới mặt đường. Khắp vùng đất những viên gạch, ống cống bị mục, bể, vài đống gạch, ụ cát nằm phơi nắng.

Anh Nguyễn Văn Minh, có nhà nằm ở trục lô phía mép ngoài cùng của vùng đất cho biết, anh và hai người bà con nữa cùng ở miền Trung vào khu đất này mua đất cất nhà từ năm 2002, còn các hộ khác đến ở những năm sau đó.

Lô đất của anh mua từ một người tên T. (đã mua lại đất nông nghiệp của các hộ ở ấp 6, sau đó tự làm đường và chia lô bán), đến nay chỉ có mỗi mảnh giấy tay mua bán đất do xã xác nhận, nguồn nước giếng tự khoan, điện câu nhờ.

Suốt dọc hai bên con đường Võ Văn Vân, thuộc ấp 2, 3, 4 xã Vĩnh Lộc B, là những vùng đất trống được khoanh lại bởi những vòng kẽm gai, hàng gạch hoặc bởi những trụ bê tông, thi thoảng mới thấy vài căn nhà.

Tại ấp 3, có hai thửa đất rộng trên 10 ngàn mét vuông phủ đầy cỏ dại, ngăn cách bởi con đường đất rộng khoảng 2m. Một góc nhỏ của thửa đất được trải nhựa dở dang dài khoảng 200m, đường cống thoát nước nhô cao hơn mặt đường lâu ngày bị mục nát. Một căn nhà xây tường gạch chưa tô, mái lợp lá, ở cuối đoạn đường nằm chơ vơ. Chủ nhân của căn nhà là anh Dương Văn Ngân, làm nghề thợ hồ, cho biết mảnh đất ruộng rộng hơn 5 công này của ông bà để lại.

Trước đây, bà H. đến mua với giá 400 ngàn đồng/m2, gia đình bán hết chỉ chừa lại mấy trăm mét vuông để làm nền nhà ở. Mấy năm sau này, do không có đất sản xuất nên người nhà lại bán tiếp để về Củ Chi. Hiện nay, anh tiếp tục “bám trụ”, hàng ngày đi làm thợ hồ. Chỉ những lô đất phân lô dở dang, anh Ngân cho biết: “Những người mua nền đất thì không được phép sang nhượng, xây cất nên vùng này thành đất hoang phế từ lâu…”.

Tình trạng phân lô đất nông nghiệp dang dở, cơ sở hạ tầng tạm bợ xảy ra rất nhiều ở huyện Bình Chánh, Bình Tân là điển hình do hệ quả cơn sốt đất của thời “phân lô bán nền”. 4 năm trôi qua, những người trót mua đất thì không được xây dựng để ở, chỉ có mỗi giấy tay. Cả vùng đất rộng lớn trở thành đất hoang. Nơi này sẽ trở thành đô thị hay đất nông nghiệp, ai sẽ trả lời?

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục