Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Đạt thỏa thuận thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa

Ngày 20-11, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Lisbon (Bồ Đào Nha) đã đạt đồng thuận về một số nội dung chính trong chương trình nghị sự, bao gồm Khái niệm chiến lược mới và kế hoạch thành lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) trên phạm vi toàn châu Âu.

Theo AFP, Khái niệm chiến lược mới được thông qua nhằm thay thế một văn bản tương tự được soạn thảo năm 1999 và được NATO coi là “lộ trình hành động” của tổ chức này trong 10 năm tới. Khái niệm này vạch ra những nguyên tắc định hướng để NATO đối phó với những thách thức trong thế kỷ 21, trong đó có việc hiện đại hóa khả năng của NATO để thực hiện sứ mệnh chủ chốt là phòng thủ tập thể, bảo vệ các nước thành viên trước nguy cơ tấn công hạt nhân và những mối đe dọa mới như an ninh mạng và tấn công khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc NATO tiếp tục can thiệp vào các khu vực trên khắp thế giới, nơi nào mà họ cảm thấy an ninh chung của các nước thành viên đang có nguy cơ bị đe dọa.

Về vấn đề NMD, lần đầu tiên giới lãnh đạo trong khối NATO đã thỏa thuận về việc thành lập lá chắn phòng thủ chống tên lửa mới trên phạm vi toàn châu Âu và mời Nga tham gia. Trước thềm hội nghị, Nga tỏ ý muốn chia sẻ một số ý tưởng về hệ thống phòng thủ chống tên lửa chung, song bác bỏ khả năng đưa ra một quyết định quan trọng liên quan an ninh của châu lục vào thời điểm hiện nay.

Về sự can dự của NATO tại Afghanistan, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết NATO sẽ bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát an ninh tại Afghanistan cho các lực lượng địa phương trong năm 2011 nhằm chấm dứt vai trò chiến đấu của lực lượng nước ngoài tại đây vào cuối năm 2014. Ông cho rằng mục tiêu trên là thực tế và sẽ tạo điều kiện để lực lượng NATO tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan.

Hội nghị thượng đỉnh NATO được kỳ vọng mang một dấu ấn trong lịch sử của tổ chức này. Tuy nhiên, trước thái độ không hợp tác của Nga, NATO - tổ chức luôn bị chỉ trích vì hoạt động không hiệu quả - cũng sẽ khó có thể tìm được lối rút khỏi “vũng lầy” Afghanistan dễ dàng. Nhiều quan chức NATO và Mỹ cũng không giấu sự nghi ngờ khả năng thực hiện được với thời hạn chót năm 2014 do lo ngại các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng Taliban có thể làm suy yếu Chính phủ Afghanistan. Trong khi Nga chỉ cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của mình để vận chuyển một chiều hàng hóa phi quân sự phục vụ chiến trường ở Afghanistan, thì NATO vẫn rất cần sự giúp đỡ của Nga cho trang thiết bị hạng nặng, huấn luyện quân sự, đường tiếp viện nhằm giảm tải hoặc thậm chí thay thế đường tiếp viện thông qua Pakistan vốn nhiều bất ổn về an ninh.

Chiến tranh ở Afghanistan là cuộc viễn chinh dài nhất và lớn nhất từ trước đến nay của NATO với sự tham gia của 150.000 binh lính. Cuộc chiến tranh này cứ kéo dài mà vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Chính vì thế, nó làm xói mòn dần sự ủng hộ của người dân Mỹ và ở các nước châu Âu khác.

H.CHI

Tin cùng chuyên mục