Dấu ấn công nghệ cao

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, làm sao để Việt Nam có thể dần làm chủ được những công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập? Câu hỏi đó luôn thường trực trong lòng những trí thức Việt kiều xa quê. Dù đang có những vị trí đáng mơ ước ở các nước phát triển, nhiều người đã quyết định trở về…
Dấu ấn công nghệ cao

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, làm sao để Việt Nam có thể dần làm chủ được những công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập? Câu hỏi đó luôn thường trực trong lòng những trí thức Việt kiều xa quê. Dù đang có những vị trí đáng mơ ước ở các nước phát triển, nhiều người đã quyết định trở về…

  • Than Nano, pin thay xăng

Với nhiều phát minh, sáng chế khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Chánh Khê (kiều bào Mỹ) được nhiều tập đoàn lớn mời làm việc. Thế nhưng năm 2002, ông đã từ bỏ tất cả, quyết định trở về Việt Nam tham gia xây dựng đất nước. Ông kể: “Khi được lãnh đạo TPHCM mời về làm việc tại Khu Công nghệ cao, tôi thấy vừa đúng với chuyên môn vừa đúng với khả năng của mình. Nhận ra đây là cơ hội góp sức, thể hiện cụ thể nhất lòng yêu nước, tôi nhận lời sau 15 ngày cân nhắc dù lúc đó nước Mỹ đang là đất dụng võ cho những nhà khoa học như tôi”.

Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn nhân viên của Trung tâm R&D - Khu Công nghệ cao TPHCM chế tạo pin thay xăng.Ảnh: L.T.Hân

Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn nhân viên của Trung tâm R&D - Khu Công nghệ cao TPHCM chế tạo pin thay xăng.Ảnh: L.T.Hân

Nung nấu hoài bão ấy, bằng kinh nghiệm và kiến thức gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, TS Nguyễn Chánh Khê, Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Nano – Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai (viết tắt Trung tâm R&D), Khu Công nghệ cao TPHCM, ngày đêm không ngừng nghiên cứu những ý tưởng tuy táo bạo nhưng phù hợp với hướng phát triển của thế giới.

Điều đặc biệt, kinh phí dùng cho việc nghiên cứu không từ ngân sách Nhà nước mà do ông vận động từ các nhà tài trợ. Chỉ một năm sau khi về nước, ông cùng các đồng sự chế tạo thành công than Nano lỏng “made in Việt Nam” và được ứng dụng thành công trong việc sản xuất mực in kỹ thuật số cho các máy in vi tính, trong đó mực in phun là chủ yếu. Các loại mực đen, mực màu từ sự chuyển giao của ông đã lần lượt đi vào thị trường sản phẩm công nghệ thông tin trong nước.

Đây được xem là bước đột phá mới của công nghệ Nano của Việt Nam, bởi trên thế giới hiện có rất ít nước phát triển chế tạo được loại vật liệu này. Năm 2005, than Nano “lỏng” được ứng dụng để chế tạo vật liệu che (masking) trong quy trình chế tạo vi xử lý và pin nhiên liệu. Loại pin không tạo ra ôxýt carbon này có thể thay thế các loại xăng dùng cho động cơ, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra năng lượng sạch khi sử dụng; đồng thời giá thành rẻ hơn, công suất cao hơn và chịu nhiệt tốt hơn sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất.

Đến năm 2006, Trung tâm R&D tạo nên dấu ấn lịch sử khi điều chế thành công than ống Nano (Carbon Nano Tube) - loại vật liệu Nano tiêu biểu cho khắp thế giới với tính chất nhẹ, cứng, siêu bền, siêu dẫn điện, dùng được vừa cho kim loại vừa cho bán dẫn.

Ngoài ứng dụng trong ngành y dược, vật liệu này còn được các nhà khoa học công nghệ vật liệu trên thế giới, trong đó có cả Trung tâm không gian Hoa Kỳ (NASA), Công ty Hàng không Boeing kỳ vọng sử dụng trong chế tạo vỏ phi thuyền vũ trụ, vỏ máy bay. Than ống Nano rất khó chế tạo và giá thành rất đắt, vậy nên khi Việt Nam điều chế thành công than ống Nano sử dụng nguyên liệu từ nông phẩm trong nước (cà phê, tre, gỗ thông, lúa, trấu…), giá thành rẻ đã khiến thế giới ngạc nhiên và khâm phục.

Từ năm 2006 đến nay, hàng năm kết quả này đều được liên tục báo cáo tại Hội thảo quốc tế Nano Tech tổ chức tại Mỹ. Trong niềm tự hào về tầm vóc, trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao không thể không nhắc đến công lao của TS Nguyễn Chánh Khê.

Cho đến thời điểm này, vẫn có rất nhiều lời mời từ các tập đoàn “đại gia” trên thế giới mời TS Nguyễn Chánh Khê làm việc với các điều kiện rất ưu đãi nhưng không làm ông lay chuyển. Ông tâm sự: “Việt Nam đang phát triển từng ngày, và chúng tôi muốn cống hiến hết sức mình vào sự đi lên của đất nước. Về phần mình, là người tham gia thành lập Trung tâm R&D, tôi sẽ gắn bó với trung tâm, tiếp tục đem lại những thành tựu cho trung tâm nói riêng, cho quê hương nói chung”.

Ông cho biết thêm: Ngoài than ống Nano, trung tâm còn hướng đến sản phẩm pin thay xăng (dùng nước thay cho năng lượng, điện nhà), hiện đã gần đạt mục tiêu đặt ra. Hiện nay, Công ty Goodyear của Mỹ đang có chương trình thử nghiệm than ống Nano do Việt Nam chế tạo và cũng chính công ty này định hướng các nghiên cứu về than ống Nano Việt Nam đến gần mục tiêu bánh xe auto siêu nhẹ. Công nghệ pin thay xăng được công ty Nhật Bản (AR BROWN) nhận làm đại diện phân phối và triển lãm tại World Battery Show ở Tokyo vào tháng 3-2011, đưa đến sự quan tâm hợp tác chế tạo loại sản phẩm năng lượng này tại lãnh thổ Đài Loan (sẽ đàm phán vào tháng 4-2011).

TS Nguyễn Chánh Khê cũng cho biết việc chuyển giao 2 tiềm năng công nghệ cao về pin thay xăng và than ống Nano đem về cho Khu Công nghệ cao TPHCM 150.000 USD.

  • Năng lượng sạch và thẩm mỹ

“40 năm sống và làm việc ở nước ngoài - với tôi đã quá đủ, nếu không muốn nói là quá nhiều. Bây giờ, điều ý nghĩa nhất là được mang những kiến thức mình học hỏi được sau bao năm xa quê trở về xây dựng đất nước”, TS Trần Văn Bình tâm sự.

Tiến sĩ Trần Văn Bình với tâm huyết phát triển năng lượng gió tại Việt Nam. Ảnh: Mai Hương

Tiến sĩ Trần Văn Bình với tâm huyết phát triển năng lượng gió tại Việt Nam. Ảnh: Mai Hương

Năm 1978, ông hoàn thành luận án ngành Công nghệ Cơ khí Hàng hải và Kỹ thuật khai thác biển tại CHLB Đức. Sau đó, ông công tác tại tập đoàn dầu mỏ và khí đốt quốc gia Deminex/Veba Oil thuộc Tây Đức. Sau giai đoạn này, ông có dịp đi sâu vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo, sản xuất và cung cấp thiết bị thủy động lực phục vụ phát triển các công trình khai thác sử dụng năng lượng tái tạo khi đảm nhận vị trí Trợ lý Tổng giám đốc - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tập đoàn Hunger Hydraulic International Group. Đến năm 1991, ông thành lập Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ Văn Trần, đặt trụ sở tại vùng Frankfurt, CHLB Đức.

Thời điểm cuối năm 2008, nhận thấy tình hình trong nước có nhiều thay đổi khởi sắc, TS Trần Văn Bình quyết định dành phần lớn thời gian về nước làm ăn. Với những kiến thức chuyên sâu về năng lượng và năng lượng tái tạo, TS Bình tham gia đóng góp công sức trong việc xây dựng 4 công trình thủy điện và đập tràn xã lũ đặt ở Bình Dương, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc.

Đặc biệt, thời gian gần đây, ông đã nghiên cứu và đề xuất nhiều ý tưởng về việc xây dựng các nhà máy phong điện tại Việt Nam. Ông nói đầy tâm huyết: “Tiềm năng về năng lượng gió tại Việt Nam hơn rất nhiều so với các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á. Phong điện có ưu điểm không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên. Việc lắp đặt các trạm phong điện cũng dễ chọn địa điểm, tiết kiệm chi phí xây dựng”. Từ khi về nước, TS Trần Văn Bình và các cộng sự đã tham gia tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp thiết bị và kết nối với các tập đoàn lớn của nước ngoài để cùng chính quyền các địa phương trong nước thực hiện một số dự án điện gió tại Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Ông cho biết: “Với những công nghệ chúng tôi đưa về Việt Nam hiện nay, tính lâu dài, chi phí để sản xuất ra phong điện sẽ thấp hơn so với đầu tư làm thủy điện hay điện mặt trời, điện hạt nhân. Sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thử thách lớn. Để vượt qua những thử thách đó cần có một nền công nghiệp năng lượng phát triển. Xây dựng phong điện là giải pháp thiết thực, hiệu quả, có thể đáp ứng nhu cầu điện năng của cả nước.

Hiện tại, nếu địa phương nào có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng đến tận nơi khảo sát, đo sức gió và đề xuất các phương án để lắp đặt trạm phong điện theo công nghệ hiện đại nhất. Mong ước lớn nhất của tôi là trong tương lai không xa, bờ biển trải dài lộng gió của đất nước ta sẽ càng đẹp hơn với những cánh quạt gió. Và dòng điện tạo ra từ sức gió ấy sẽ hòa vào lưới điện quốc gia”

ÁI CHÂN - MAI HƯƠNG

Hiện nay, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã kết nối được với trên 700 trí thức, doanh nhân kiều bào, trong đó, có nhiều người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân thành đạt đã và đang có nhiều đóng góp đáng kể cho TP.

Đến nay, có trên 2.500 doanh nghiệp có vốn của kiều bào đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ gần 37 ngàn tỷ đồng, 117 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 275,24 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục