KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (7-4-1907 - 7-4-2017)
Đồng chí Lê Duẩn, nhiều năm làm Tổng Bí thư của Đảng, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng và nhân dân Việt Nam, chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế, phong trào công nhân và phong trào độc lập dân tộc. Từ năm 1939 đến hết cuộc đời, dù sinh sống các nơi khác nhau, song đồng chí luôn gắn bó với phong trào cách mạng của nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là những năm chiến đấu gian khổ, thử thách ác liệt nhất. Đồng chí đã dày công xây đắp Đảng bộ, giáo dục đào tạo đội ngũ cán bộ, nhiều năm trực tiếp chỉ đạo, tham dự nhiều Đại hội Đảng bộ Thành phố và góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của Sài Gòn - Gia Định, Thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết này đề cập khái quát một số dấu ấn cơ bản, quan trọng nhất của đồng chí.
Người chỉ đạo xuất sắc, đầy sáng tạo phong trào cách mạng đô thị
Với vị trí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam bộ tham dự Hội nghị cán bộ Đảng toàn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn tại Vườn Thơm (nay thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM) đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo: Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn là trung tâm đầu não, trung tâm chính trị, kinh tế, nơi dự trữ nhân lực, vật lực cho chiến tranh của địch. Thành phố bị chiếm phải là một chiến trường quan trọng (tác giả nhấn mạnh) không kém vùng căn cứ và vùng nông thôn tranh chấp giữa ta và địch.

Đồng chí Lê Duẩn (thứ 3 bên trái) đến thăm Xí nghiệp Dệt len Sài Gòn năm 1980 Ảnh: THÁI BẰNG
Trong Thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ngày 1-7-1967, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: Thành thị phải đặt trong toàn bộ cuộc đấu tranh và trong mối quan hệ giữa ba vùng chiến lược, trong đó thành thị giữ một vị trí quan trọng. Đối với cuộc chiến tranh thực dân mới do Mỹ tiến hành, thành thị là căn cứ, là hậu phương quan trọng. Đứng về quân sự mà xét, không đánh vào căn cứ, vào hậu phương, vào đầu não của địch thì không thể giành được thắng lợi cuối cùng. Đó là những chỉ đạo mang tính chiến lược hết sức sắc sảo, đúng đắn. Thực hiện sự chỉ đạo đó, Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng mọi lực lượng, đã liên tục tấn công địch và đã làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn - Gia Định đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng lực lượng cách mạng đô thị cũng là một sáng tạo đúng đắn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ thời kháng chiến chống Pháp, qua những lần làm việc với Thành ủy Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn đã phân tích tình hình quần chúng của thành phố, lưu ý phát triển lực lượng cách mạng trong các giới đồng bào, từ công nhân, dân nghèo thành thị đến giáo dân, trí thức… Đến thời kỳ chống Mỹ, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo rất cụ thể về vấn đề xây dựng lực lượng cách mạng ở thành thị. Ngoài vấn đề có tính chiến lược là liên minh công nông, trên quan điểm không chỉ đơn thuần xem xét khả năng cách mạng của các tầng lớp xã hội xuất phát từ vị trí giai cấp, mà còn phải nhận định thái độ chính trị của họ đối với cuộc chiến tranh xâm lược hết sức tàn bạo và ác liệt, đe dọa sự sống còn của toàn dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đặc biệt quan tâm đến thanh niên và phụ nữ. Có lẽ đây là biểu hiện tư tưởng Hồ Chí Minh “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”…
Một lĩnh vực khác thể hiện tầm trí tuệ và dấu ấn Lê Duẩn trong phong trào cách mạng đô thị là những ý kiến chỉ đạo về vấn đề phương pháp cách mạng đô thị. Khi còn là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đã nói nhiều về phương pháp cách mạng, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi có sự sáng tạo, nhạy bén, nắm vững thực tiễn để có phương pháp thích hợp. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở mục III, IV trong Thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã nêu trên (ngày 1-7-1967), đồng chí Lê Duẩn đã phân tích sâu sắc, rành rọt về phương thức cách mạng đô thị, cụ thể là về khẩu hiệu, tổ chức đấu tranh, về lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch. Về khẩu hiệu đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ “cần nhằm vào các vấn đề bức thiết nhất về dân sinh, dân chủ mà đề ra khẩu hiệu hành động thích hợp có sức lôi cuốn, động viên đông đảo quần chúng đấu tranh… Kết hợp tuyên truyền miệng với sử dụng báo chí, phát động rộng rãi phong trào quần chúng kết hợp với hoạt động của các tổ chức, lực lượng vũ trang…”. Những chỉ đạo đó đã giúp thành phố tổ chức nhiều lực lượng, nhiều phong trào quần chúng với nhiều hình thức đấu tranh phù hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng đô thị…
Trong Thư gửi Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Biết lợi dụng những mâu thuẫn đó, chúng ta không chỉ có thể nhanh chóng xây dựng được lực lượng cách mạng, mà còn tạo ra khả năng lực lượng cách mạng liên hiệp hành động với các tầng lớp trung gian, với cánh tả trong các phe phái, các tổ chức tôn giáo, với các nhóm ly khai, hoặc trung lập hóa một bộ phận trong hàng ngũ địch”. Chính những chỉ đạo về phương pháp cách mạng đô thị đầy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn đã định hướng rõ rệt cho phong trào cách mạng đô thị ở Sài Gòn - Gia Định tránh được những giáo điều, bảo thủ, mà luôn tìm ra được những phương pháp phù hợp với thực tiễn đưa đến hiệu quả cao, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Song ý nghĩa của tư duy đầy trí tuệ đó có lẽ còn rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ngày nay của chúng ta…
Người am hiểu và đánh giá đúng vị trí của Sài Gòn giải phóng - Thành phố Hồ Chí Minh
Sau giải phóng miền Nam, rồi khi thành phố trong cơn hiểm nghèo vì bị “ngăn sông cấm chợ”, đồng chí Lê Duẩn đã có những ý kiến rất mới về kinh tế Sài Gòn, kinh tế miền Nam sau giải phóng. Đồng chí đề cập tới sự cần thiết phải duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam, không thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như miền Bắc. Đồng chí Lê Duẩn rất quan tâm đến vấn đề cải tạo công thương nghiệp, lưu ý tới lợi ích của người lao động, những người “buôn gánh, bán bưng”, tỏ thái độ đồng tình cho thí điểm một số cơ chế cụ thể trong lưu thông, xuất khẩu; cho thực hiện khoán và làm “kế hoạch 2, 3” trong công nghiệp. Song đáng tiếc, những gợi mở mang tính năng động, sáng tạo ấy đã không được nhiều người chấp thuận, cũng không có cơ quan hay nhà khoa học, chuyên gia kinh tế nào tổ chức nghiên cứu sâu và có hệ thống những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn lúc bấy giờ. Và ở cấp lãnh đạo cao nhất do đồng chí Lê Duẩn đứng đầu, cũng chưa đặt vấn đề một cách chính thức để nghiên cứu. Có lẽ trong bối cảnh chung, cái gốc của vấn đề là cơ chế tập trung bao cấp vẫn được tôn vinh như một nguyên tắc, một “tư duy chính thống”. Nhưng vốn rất kỵ với “căn bệnh giáo điều, sách vở”, “căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa”, với tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong cuộc sống để phát hiện cái mới, cái đúng, có lợi cho nước, cho dân, đồng chí Lê Duẩn trong nhiều lần làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có những đánh giá về vị trí đặc biệt của thành phố và có những chỉ đạo về các nhiệm vụ phát triển thành phố sau giải phóng. Và năm 1982, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn, đã ra Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14-9-1982 về Công tác của thành phố Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội”(1). Quan điểm đó được Tổng Bí thư Lê Duẩn phân tích cặn kẽ, toàn diện trong phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ TPHCM, ngày 8-11-1983. Đồng chí đã mang đến cho Đảng bộ, giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố những ý kiến chỉ đạo vô cùng quý báu và tấm lòng thương yêu tin tưởng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cho đến bây giờ dường như vẫn còn vang vọng lời nói của đồng chí Tổng Bí thư: “Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”(2).
Đồng chí đã phân tích, làm rõ vị trí, vai trò của thành phố mà cho đến lúc bấy giờ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đồng chí Lê Duẩn thì hoàn cảnh lịch sử và địa lý đã tạo cho TPHCM có một vị trí quan trọng về chính trị và kinh tế… Quá khứ để lại ở đây những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Song, thành phố này cũng chính là nơi hội tụ những điều kiện khách quan đặc biệt thuận lợi về kinh tế mà không một tỉnh, thành nào ở nước ta có được… Phải biết phát huy thế mạnh và khả năng của TPHCM để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam và góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước… Phấn đấu để một tương lai không xa xây dựng TPHCM thành một thành phố mạnh về mọi mặt, một thành phố xã hội chủ nghĩa có cơ cấu công - nông nghiệp hiện đại, có văn hóa, khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh, hiện đại có tầm cỡ ở Đông Nam châu Á. Tuân thủ sự chỉ đạo sắc bén đó, với sự nỗ lực toàn diện của Đảng bộ và nhân dân TPHCM, sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành, ban, bộ ngành trong cả nước, trong 10 năm đầu sau giải phóng, thành phố đã đứng vững vì nó được trả về vị trí vốn có của nó: Thành phố của công nhân, của công nghiệp, của khoa học kỹ thuật, thành phố trẻ - cả sinh lực, tâm hồn và óc sáng tạo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TPHCM năm 1985 đã nhận xét: “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn diễn đạt thật thâm trầm chân lý này. Thành phố Sài Gòn và chủ nghĩa xã hội là một cuộc hẹn hò lịch sử”(3)…
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Lê Duẩn, TPHCM đã có bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Tầm vóc, vị trí, vai trò của TPHCM không ngừng được nâng lên tầm cao mới. Có được như vậy là nhờ Sài Gòn - TPHCM xưa nay đều gắn bó máu thịt với lịch sử và vận mệnh của đất nước, nơi hội tụ công sức, tài năng và tâm huyết của cả dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã yêu thương, tin cậy và dày công vun đắp cho thành phố. Trong đó có công lao to lớn và tình cảm sâu đậm của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, nhà lý luận sáng tạo, tư duy sâu sắc, tầm nhìn xa rộng, giàu lòng nhân ái, học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh kính mến và thân thiết, nhiều năm gắn bó với Đảng bộ, nhân dân, phong trào cách mạng đô thị Sài Gòn - TPHCM. Đồng chí đã để lại dấu ấn lịch sử mãi mãi không mờ phai đối với Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại - Thành phố Anh hùng.
3-2017
PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
(1) Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị về Công tác của TPHCM. Tài liệu lưu tại Văn phòng Thành ủy TPHCM.
(2) Bài nói của đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ TPHCM. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ III (tháng 11-1983). Trang 20.
(3) Nguyễn Văn Linh. Tuyển tập, Tập I (1962-1986). NXB Chính trị quốc gia - Hà Nội, 2011, trang 1031.