Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Là một đảng viên với ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng, trước hết tôi rất hoan nghênh Thành ủy TPHCM đã tổ chức để nhân dân tham gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Tôi đánh giá cao chất lượng, nội dung Báo cáo chính trị toàn diện, khái quát cao. Nhưng đã bằng lòng với kết quả đó chưa thì xin thẳng thắn mà nói là chưa. Tôi kiến nghị bổ sung nội dung “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Là một đảng viên với ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng, trước hết tôi rất hoan nghênh Thành ủy TPHCM đã tổ chức để nhân dân tham gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Tôi đánh giá cao chất lượng, nội dung Báo cáo chính trị toàn diện, khái quát cao. Nhưng đã bằng lòng với kết quả đó chưa thì xin thẳng thắn mà nói là chưa. Tôi kiến nghị bổ sung nội dung “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Trong nhiều bài viết, Bác Hồ kính yêu vạch rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra nhiều căn bệnh rất nguy hiểm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi, nhắc lại rằng, nguồn gốc của sự suy thoái về đạo đức, lối sống chạy theo lợi ích cá nhân cũng là nguồn gốc của tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, tham danh, trục lợi không ai khác, đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó… Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với thanh niên (2-11-1956)

Tháng 6-1968, nói chuyện với đồng chí Hà Huy Giáp, Bác khuyên nên xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và trong cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau… Bác nói: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân”. “Mỗi người có tính cách riêng, có sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích riêng đó, không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Bác cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(2). Đó là những lời dạy rất thấm thía. Bác không dừng lại ở một con người, mà cảnh báo đến cả một dân tộc, cả một đảng nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì cơ đồ sự nghiệp cũng đều tiêu tan.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2-1969), tại Nhà 67 trong Phủ Chủ tịch, lúc này sức khỏe của Bác đã yếu, nhưng Bác vẫn trăn trở biên soạn tác phẩm nổi tiếng: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là tác phẩm đầy tâm huyết, cũng là tác phẩm cuối cùng của Bác, lên án nghiêm khắc chủ nghĩa cá nhân. Với một quyết tâm tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân trong bộ máy Đảng và Nhà nước thì mới xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, Bác khẳng định: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân!”. Vì vậy, theo Bác, thái độ buông lỏng, xa rời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tránh né tự phê bình và phê bình là báo hiệu của sự suy thoái về chính trị - tư tưởng. Lênin cũng cảnh báo: “Cái chết về đạo đức là tiền đề chắc chắn cho cái chết về chính trị”. Sau khi phê chuẩn vụ xử tử hình đầu tiên về án tham nhũng của Trần Dụ Châu, đại tá Cục trưởng Quân nhu - Tổng cục Hậu cần, Bác đã đưa ra nhận xét thấm thía: “Vụ án Trần Dụ Châu, chúng ta cũng phải chịu một phần trách nhiệm”. Sự thoái hóa của một viên chức sẽ bình thường - nhưng là điểm nhục khi kẻ phạm tội mang danh hiệu cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập rèn luyện Đảng ta. Chúng ta thấy mối bận tâm rất lớn, cũng là mối bận tâm rất sớm của Người, thể hiện trong Thư gửi các đồng chí Bắc bộ ngày 1-3-1947. Bác yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân thì mới lãnh đạo được nhân dân làm cách mạng thắng lợi.

Hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đã và đang lộng hành trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, đã gây ra những tác hại to lớn nhiều mặt đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và của dân ta. Nó là gốc của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Những đức tính tốt đẹp của con người đã hun đúc trong lịch sử và trong kháng chiến bị phai nhạt. Đặc biệt, là sự xuống cấp nghiêm trọng từ đạo đức xã hội, hệ giá trị xã hội có phần đảo lộn, những tệ nạn đồi bại diễn ra, các vụ thảm sát cả gia đình hết sức man rợ. Tình hình đó đã gây nhiều bức xúc, nhức nhối trong nhân dân. Làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Bác vạch rõ: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày và phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

LÊ VĂN HIẾU
(Phường 3, Quận Tân Bình, TPHCM) 


(1) Hồ Chí Minh: Tư cách người đảng viên cộng sản, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội; 1988, trang 38, 3a

(2) Sách đã dẫn, trang 94, 95

Tin cùng chuyên mục