Đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là chín muồi ​

Nhận định rằng đường Vành đai 3 TPHCM một khi được xây dựng sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM, song ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lưu ý, thời gian còn lại (đến hết năm 2023) là quá gấp gáp. 

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sáng nay 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Hầu hết các ý kiến phát biểu tại nghị trường đều nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án quan trọng này và nêu nhiều kiến nghị từ các góc độ khác nhau để việc thực hiện dự án được hiệu quả, thông  suốt.

Đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là chín muồi ​ ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhận định rằng đường Vành đai 3 TPHCM một khi được xây dựng sẽ tạo ra hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM, song ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lưu ý, thời gian còn lại (đến hết năm 2023) là quá gấp gáp.

ĐB đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế trong 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

Đồng thời, để hoàn thành kịp tiến độ, ĐB đề nghị Quốc hội ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa trong cơ chế chỉ định thầu (áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư).

Đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là chín muồi ​ ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại nghị trường sáng 10-6-2022. Ảnh: QUANG PHÚC
Cụ thể, ĐB đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc cần chỉ định thầu hay những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

“Dự thảo đã quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Với “chốt” đó, chúng ta có thể yên tâm thực hiện ủy quyền”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ.

Cùng quan điểm, ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận định, đầu tư 2 dự án đường vành đai vào thời điểm này là “chín muồi”, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch, ĐB Tạ Đình Thi lưu ý, bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án GPMB, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.

“Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương”, ĐB Tạ Đình Thi băn khoăn.

Đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là chín muồi ​ ảnh 3 ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
ĐB đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TPHCM tại dự thảo Nghị quyết về các dự án để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Đồng tình với sự cần thiết phải đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TPHCM, và cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả hai dự án, song ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

“Việc GPMB một lần đã bao gồm cả phần đường song hành 2 bên chưa? Đề nghị cần nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này”, ĐB Trần Văn Tiến góp ý.

Đảm bảo được bố trí đủ vốn và triển khai kịp thời, quyết liệt trong công tác bồi thường, GPMB là kiến nghị từ ĐB Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Long An).

Đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội vào thời điểm này là chín muồi ​ ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các ĐBQH TPHCM về Dự án đường Vành đai 3, sáng 10-6. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB nhận định, việc đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TPHCM, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Dự án sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội đô TPHCM, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cho biết ông nhất trí cao với việc phân chia các dự án thành phần để triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ĐB Nguyễn Thanh Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện cho các địa phương không phát hành trái phiếu để đảm bảo được bố trí đủ vốn và kịp thời.

Ông cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong công tác bồi thường, GPMB, đảm bảo đúng theo tiến độ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua (sẽ trở thành quỹ đất hết sức có giá trị sau khi dự án hoàn thành, đi vào sử dụng) để giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.

Vui lòng người đến, hài lòng người đi

Cuối phiên họp Quốc hội sáng 10-6 về chủ trương đầu tư 2 tuyến đường vành đai TPHCM và Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, xây dựng các tuyến đường vành đai không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông, mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại giá trị chênh lệch địa tô.

Nhận định xác đáng này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra trước đó đồng thời với yêu cầu quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phản ánh, chỉ mới nghe Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất khu vực này đã tăng lên rất nhiều lần. 

Đây không phải là một vấn đề hoàn toàn mới. Năm 2021, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM”, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá. Theo đó, TPHCM sẽ thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi công trình và người có đất kề bên công trình hạ tầng. Người bị thu hồi đất sẽ được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Sau khi quy hoạch lại hai bên hạ tầng, phần đất dôi dư được bán đấu giá để triển khai thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, việc thực hiện là một thách thức không nhỏ đối với 2 đại đô thị - đồng thời cũng là 2 thị trường bất động sản lớn nhất, có giá trị cao nhất cả nước. Nếu không đảm bảo nguyên tắc “vui lòng người đến, hài lòng người đi” thì tiến trình giải phóng mặt bằng có thể gặp nhiều khó khăn và kéo dài. 

Thấy trước thực tế này, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, ở địa bàn đô thị hóa cao, dân cư rất đông, việc tạo sự đồng thuận để bà con nhường đất, chỗ ở của mình cần được thực hiện một cách hết sức cẩn trọng. Người đứng đầu UBND TPHCM khẳng định, TP đã có kế hoạch để ổn định chỗ ở cho những người phải di dời, hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định chỗ ở và sinh kế... Bước tiếp theo là tổ chức đấu giá đất đúng quy định của pháp luật. 

Làm được như vậy không chỉ đảm bảo giá trị địa tô được phân bổ hài hòa cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, mà còn tạo tiền đề phát triển đô thị đúng quy hoạch, văn minh, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục