Đầu tư hơn cho giáo dục mầm non ngoại thành!

Đầu tư hơn cho giáo dục mầm non ngoại thành!

Chỉ thị về nhiệm vụ năm học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo năm nào cũng nêu rõ yêu cầu phải tập trung đầu tư để phát triển giáo dục ở các khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Đây là một định hướng mang tầm chiến lược đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương nhằm từng bước xóa dần sự cách biệt về trình độ giữa học sinh thành thị và nông thôn. Ở TP Hồ Chí Minh, sự cách biệt này hiện đang tồn tại nặng nhất ở bậc học giáo dục mầm non.

Đầu tư hơn cho giáo dục mầm non ngoại thành! ảnh 1

Bé làm quen với môi trường thiên nhiên.

Hiện nay, các nhà trẻ, trường mẫu giáo ở nội thành được nhà nước đầu tư khá quy mô về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… Nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo có sân chơi hiện đại, bể bơi, nhà vệ sinh kiểu mẫu…

Các cháu được nuôi dạy chăm sóc theo dõi khá chu đáo, cẩn thận. Đây là một thực tế đáng ghi nhận tại các lớp mầm non khu vực nội thành.

Trong khi đó, ở ngoại thành, trường lớp nhiều nơi vẫn còn nghèo nàn, ọp ẹp. Một số nơi không tổ chức được lớp bán trú vì điều kiện cơ sở vật chất không cho phép. Phòng học vẫn còn trong tình trạng nền đất, nền tráng xi măng, mái lá, điều kiện vệ sinh cho trẻ không bảo đảm.

Được biết, hàng năm ngân sách nhà nước đầu tư cho bậc học mầm non thành phố khoảng 67 tỉ đồng (tính theo đầu học sinh ở các nhà trẻ và trường mẫu giáo). Số còn lại phụ huynh học sinh đóng góp từ học phí khoảng 40 tỉ đồng. Hai khoản này tập trung cho chi thường xuyên phục vụ các hoạt động dạy, học của nhà trường, trong đó có một phần lo cho đời sống giáo viên.

Tính chung thì mức đầu tư này ở khu vực nội hay ngoại thành đều như nhau. Nhưng thực tế cho thấy, các khoản trên không đáp ứng đủ cho các trường hoạt động tốt theo yêu cầu nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Do đó, việc huy động sức dân đầu tư thêm cho các trường mầm non là hết sức cần thiết.

Việc huy động này được thực hiện khá thuận lợi ở các trường nội thành, thậm chí mức đóng góp của phụ huynh cho nhà trường chiếm đến 2/3 so với tổng đầu tư chung của ngân sách Nhà nước cho giáo dục mầm non. Riêng khu vực ngoại thành, ngoài nguồn đầu tư của ngân sách, các trường không thể tìm ra khoản nào khác để phát triển trường lớp.

Việc huy động sức đóng góp của phụ huynh thường gặp khó khăn do cuộc sống của người dân khu vực này còn thấp. Ngân sách địa phương hạn hẹp nên cuối cùng, trường lớp mầm non bao năm qua cơ bản vẫn chưa thay đổi.

Để tháo gỡ khó khăn cho giáo dục ngoại thành nói chung và giáo dục mầm non khu vực này nói riêng, Sở GD-ĐT đã kêu gọi toàn ngành mỗi năm tập trung hỗ trợ cho một huyện. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể của việc này chưa như ý muốn, bởi ngành giáo dục tự thân đã “nghèo”, nay có đóng góp, hỗ trợ gì thêm thì cũng chỉ dừng lại ở “tấm lòng” là chính.

Vì vậy, trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến yêu cầu tăng cường ngân sách (bằng điều chỉnh kinh phí hoặc vận động đầu tư, đóng góp) cho giáo dục ngoại thành nhiều hơn nữa, trước mắt là cho giáo dục mầm non.

Làm thế nào để các nhà trẻ, trường mẫu giáo khu vực này có được điều kiện tối thiểu phục vụ tốt cho hoạt động nuôi dạy cháu. Các cháu nhà trẻ, mẫu giáo là một đối tượng đặc biệt cần có sự quan tâm chăm sóc tốt và bình đẳng của toàn xã hội.

KIỀU PHAN 

Tin cùng chuyên mục