Tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nguyên nhân, có quá nhiều DN nhà nước, DN đã cổ phần hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối - đầu tư tràn lan, dàn trải, không đem lại hiệu quả kinh tế.
Đầu tư không lãi!
Gần đây, rất nhiều cổ đông gởi thư đến Báo SGGP phản ánh việc một số DN dù đã cổ phần, nhà nước nắm cổ phần chi phối trên 51%, nhưng hoạt động kém hiệu quả, lại không bị xử lý trách nhiệm. Hầu hết các nhà đầu tư lâu nay chỉ nhìn “bề thế” của DN để mua cổ phần mà không tìm hiểu hiệu quả kinh tế của nó. Do vậy, hầu hết nhà đầu tư bị “rớt đài” vì DN đầu tư ngoài ngành, liên kết, dàn trải… dẫn đến thất thoát vốn, không hiệu quả.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn báo cáo tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM.
Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Vung Tau Tourist) là một điển hình. Khi mới cổ phần hóa từ DN nhà nước, đơn vị này có vốn điều lệ hơn 186 tỷ đồng, sở hữu nhiều khách sạn. Nhưng công ty lại liên kết, đầu tư khắp nơi, số vốn đầu tư ngoài chiếm đến 60% vốn điều lệ. Hoạt động đầu tư ngoài lại chẳng có lãi, thậm chí bị lỗ nên kết quả, mỗi năm cổ đông chỉ được trả 1% - 2% cổ tức! Trong đó, điển hình nhất của hoạt động đầu tư mà không sinh lợi của Vung Tau Tourist là khoản đầu tư 13 tỷ đồng vào khách sạn 5 sao Imperial Vũng Tàu. Từ khi ra đời, khách sạn này dùng vốn vay đến 70% nên lãi suất hoạt động thu được chỉ đủ để trả lãi vay. Số tiền đầu tư của Vung Tau Tourist chỉ “góp vốn” cho Imperial hoạt động mà không thu được đồng lãi nào suốt gần chục năm qua.
Tất nhiên, một khách sạn nổi tiếng, ở một vùng du lịch trọng điểm, lúc nào cũng đông khách nhưng kết quả kinh doanh lại không có lãi thì không thể không đặt ra vấn đề. Vậy mà, nhà nước nắm cổ phần chi phối, bố trí người quản trị DN lại không xử lý trách nhiệm khi Vung Tau Tourist đầu tư không hiệu quả một cách bất hợp lý như thế.
Tương tự, nhìn vào cơ cấu ngành của Tổng Công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn sẽ thấy, một DN mà đầu tư đến… 69 ngành nghề! Đấy là lý do UBND TPHCM buộc phải đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp này.
Cụ thể, nhanh chóng giảm một số ngành nghề phụ để tập trung vào 48 ngành nghề chính. Trong đó, lộ trình 2013 - 2015 phải thoái vốn, giảm vốn đầu tư tại 6 DN liên kết; đồng thời thoái hết vốn góp ở 8 DN (về phát triển hạ tầng, may, bất động sản, ngân hàng…); giải thể 3 DN con và liên danh. Mục tiêu là tập trung vốn vào các ngành nghề chính.
Thoái vốn chậm
Đại biểu Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đề nghị, các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải phải nhanh chóng thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp để tập trung vốn và nguồn nhân lực đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chính. Đối với lĩnh vực, chỉ tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn mà TP đề ra là: chế biến lương thực, thực phẩm; điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn; hóa chất, nhựa, cao su; cơ khí chế tạo máy móc và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Đến nay, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 doanh nghiệp. Trong đó, kế hoạch đặt ra trong năm 2014 phải thoái vốn trong DN 100% vốn nhà nước 1.553 tỷ đồng, năm 2015 thoái vốn 3.189 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện rất chậm. Đến nay, chỉ mới thoái vốn được 152 tỷ đồng! Trong khi, nhiều DN nhà nước đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào cả những lĩnh vực không phải sở trường, không ăn nhập gì với ngành nghề sản xuất chính, dẫn đến khó kiểm soát hiệu quả đầu tư, cần phải thoái vốn nhanh để giảm lỗ.
Chẳng hạn, Công ty Vàng bạc đá quý SJC lại đầu tư vào Công ty CP DV Du lịch Thương mại Sài Gòn với 40% vốn điều lệ là 10,2 tỷ đồng; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đầu tư vào Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt 25,7 tỷ đồng; Tổng Công ty Bến Thành đầu tư vào Công ty Chứng khoán Phương Đông 18 tỷ đồng; Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đầu tư vào Ngân hàng TMCP Kiên Long 65 tỷ đồng…
Tái cơ cấu đang là vấn đề sống còn để chuẩn bị bước phát triển mới cho các DN nhà nước, DN cổ phần hóa. Song bên cạnh nỗ lực sắp xếp, tái cơ cấu lại, một câu hỏi vẫn còn làm băn khoăn nhiều người: Với hoạt động đầu tư ngoài ngành dàn trải như thế, nếu thua lỗ phải thu hồi vốn, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước?
THẢO NHI