Nhận định tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các chuyên gia rút ra một nhận xét rất đáng lưu ý: các nhà đầu tư thường thể hiện tinh thần đoàn kết với các doanh nghiệp “đồng hương” của họ.
Những ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nền kinh tế luôn nằm trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam hiện nay. Các nhà đầu tư đến từ hai quốc gia này luôn dành những ưu tiên lớn nhất cho các đồng hương của mình. Một “con cá mập” trong lĩnh vực bán lẻ trên thế giới - Tập đoàn Aeon của Nhật Bản khi vào Việt Nam đã nhắm đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, song song với việc thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Nhật Bản. Ngay trong buổi lễ ra mắt thị trường Việt Nam được tổ chức gần đây, ông Nishitohge Yasuo, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, hơn 1/3 số mặt hàng trong 130 cửa hàng bán lẻ của Aeon sẽ dành cho các thương hiệu của Nhật Bản.
Còn ông Shinichiro Hori, Tổng Giám đốc Công ty CP Dream Incubator Việt Nam (đơn vị đồng quản lý Quỹ đầu tư công nghiệp DI châu Á - DIAIF) khẳng định, ngoài các điều kiện khác, đối tượng DIAIF nhắm đến đầu tư bắt buộc phải là doanh nghiệp Việt Nam chưa lên sàn và có mối quan hệ làm ăn lâu dài với Nhật Bản. Chính vì vậy, DIAIF đã lựa chọn đầu tư vào Công ty Nutifood và Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt - Nhật (JVC).
Vào thị trường Việt Nam chưa lâu, Lotte Mart Hàn Quốc cũng tỏ ra đặc biệt ưu ái các doanh nghiệp đến từ xứ sở Kim Chi. Tại chuỗi các siêu thị Hàn Quốc này, sản phẩm của doanh nghiệp Hàn Quốc luôn chiếm vị trí ưu tiên trên quầy kệ.
Không chỉ các nhà đầu tư châu Á mới nêu cao tinh thần dân tộc, tháng 9-2011, Metro Cash & Carry cũng đứng ra tổ chức “Tuần lễ sản phẩm Đức” để giúp nhận diện và củng cố thương hiệu cho các doanh nghiệp Đức tại thị trường Việt Nam…
Đương nhiên, không chỉ có các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam chìa tay đón bạn đồng hương. Từ nước họ, các doanh nghiệp cũng đã dành sự quan tâm thích đáng đến thị trường Việt Nam với tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”. Sau khi Quỹ DIAIF đầu tư vào Nutifood, hàng loạt doanh nghiệp khác tại Nhật (trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đậu nành, các sản phẩm dành cho trẻ em, thực phẩm đông lạnh, thức uống và thực phẩm chức năng...) đã bày tỏ ý định hợp tác. DIAIF cho hay, họ đang kết nối hai công ty về sản xuất đồ uống và thực phẩm chức năng để hợp tác với Nutifood trong tương lai.
Thiết nghĩ, tinh thần dân tộc trong kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài rất đáng để các doanh nghiệp Việt Nam suy ngẫm và học tập; không chỉ khi cùng nhau “bơi ra biển lớn”, mà ngay cả ở sân nhà.
Còn nhớ, những năm đầu thế kỷ XX, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi trước nguy cơ không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài vốn nhiều hơn, dạn dày hơn trong lĩnh vực vận tải đường sông, đã áp dụng một chiến thuật rất hiệu quả. Tin tưởng sâu sắc rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên Tổ quốc mình, xung quanh là đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi, ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Ông treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì bỏ tiền vào, giúp chủ tàu giảm lỗ. Nhờ đó, doanh nghiệp của ông đã vượt qua một giai đoạn sóng gió.
Thời thế mỗi lúc mỗi khác. Sách lược của người xưa không thể bê nguyên xi vào công việc kinh doanh thời nay, nhưng vẫn là một gợi ý vô cùng quý giá.
ANH THƯ