Đầu tư sao cho hiệu quả

Đầu tư xây dựng các loại đường sá để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước hiện nay là đúng hướng và cần thiết. Vấn đề là hiệu  quả đầu tư đó như thế nào? Ở đây chúng tôi không đề cập đến đầu tư cầu đường rồi bỏ đó không sử dụng, không đưa vào khai thác (đương nhiên là không hiệu quả) mà muốn nói đến đồng vốn bỏ ra đầu tư dưới hình thức BOT (đầu tư - thu phí - chuyển giao), sau khi công trình hoàn thành đưa vào phục vụ và tổ chức thu phí sao cho hợp lý với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và thu nhập của người dân, của doanh nghiệp khi họ sử dụng công trình đó.

Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương ban đầu dự tính đầu tư 4.000 tỷ đồng, sau đó lên 6.500 tỷ đồng, cuối cùng quyết toán hơn 10.000 tỷ đồng. Cũng với giá trị đầu tư đó, nhưng đường Võ Văn Kiệt hoặc ít hơn một chút là đại lộ Nguyễn Văn Linh, ô tô lưu thông qua đoạn đường này nộp phí giao thông một lượt chỉ 10.000 đồng. T

rong khi  đó, xe 28 chỗ ngồi lưu thông qua đường cao tốc TPHCM – Trung Lương bị thu 2 lần, tổng cộng  120.000 đồng. Đối với xe tải, xe container thì phí cầu đường cao tốc cao hơn gấp 3 đến 4 lần. Các doanh nghiệp khi hạch toán giá thành vận tải đưa vào chi phí sản xuất làm giá thành đội lên, tất nhiên người tiêu dùng phải chịu khoản này trong sản phẩm hoặc trong các dịch vụ của doanh nghiệp.

Rõ ràng, đầu tư đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là không hiệu quả. Cầu dây văng Mỹ Thuận cũng được đầu tư gần bằng vốn của đường cao tốc, nhưng xe 28 chỗ ngồi qua chỉ đóng phí giao thông một lượt là 15.000 đồng!

Nhà nước luôn khuyến khích và động viên các tổ chức và cá nhân có tiềm lực về vốn, về chuyên môn tham gia đầu tư cầu đường dưới hình thức BOT để gánh bớt ngân sách. Dĩ nhiên các tổ chức, cá nhân sau đó thu hồi vốn bằng cách tổ chức thu phí giao thông, dù đó là vốn vay ODA của nước ngoài cũng phải tính toán hiệu quả ngay từ ban đầu khi chuẩn bị đầu tư.

Không nên đầu tư cầu đường xong rồi mới tính mức giá thu phí giao thông để thu hồi vốn nhanh, không chỉ không hợp lý, không hiệu quả mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế và gây thiệt hại lớn cho những công trình khác dẫn đến hậu quả bất an về an toàn giao thông và xã hội.

Với mức phí giao thông cao và thu hai lần trên một đầu phương tiện qua đoạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện nay là một kinh nghiệm cần rút ra cho nhiều công trình cầu đường khác, kể cả đường cao tốc sau này đang có kế hoạch đầu tư.

Ngọc Xuân

Tin cùng chuyên mục