Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp còn rất lớn

“Vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư của Nhà nước” là chủ đề cuộc hội thảo được tổ chức sáng nay, 12-4. Đây là hoạt động do Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.
Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp còn rất lớn

(SGGPO).- “Vai trò của Nhà nước trong hoạt động đầu tư của Nhà nước” là chủ đề cuộc hội thảo được tổ chức sáng nay, 12-4. Đây là hoạt động do Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Theo đó, việc Nhà nước đầu tư vốn thành lập hay đầu tư vốn vào doanh nghiệp đã được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm hạn chế quá trình thành lập mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Số lượng ngành, lĩnh vực Nhà nước cần duy trì 100% vốn điều lệ đã giảm mạnh từ 63 ngành, lĩnh vực năm 2002 xuống chỉ còn 16 ngành, lĩnh vực vào năm 2014.

Mặc dù vậy, phạm vi đầu tư vốn nhà nước trong doanh nghiệp còn rất lớn. Trong số 781 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có đến 49,3% số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại; rất nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, văn hóa, dược phẩm, quản lý bến xe, du lịch, cơ khí, dịch vụ suất ăn hàng không, dịch vụ hàng hóa…

Ông Sandeep Mạhan, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày báo cáo tổng quan tại hội thảo sáng 12-4

Việc DNNN vẫn tập trung nhiều vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể thực hiện được đã làm hạn chế cơ hội và có thể tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.  

Khuyến nghị thay đổi tình trạng này để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh 4 yêu cầu then chốt là: tăng cường năng lực của Nhà nước, tăng cường hành chính công; tăng cường công tác kiểm tra và cân bằng; nâng cao khả năng của công dân trong việc truy cứu trách nhiệm của Nhà nước.

Trong đó, việc tăng cường năng lực của Nhà nước bao gồm tăng cường kỷ luật thị trường đối với Nhà nước. “Vai trò của Nhà nước và mối liên hệ với thị trường phải được làm rõ. Các yếu tố chính là đảm bảo về quyền sở hữu, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu và quản lý tốt hơn sự tham gia của Nhà nước về kinh tế”, ông Sandeep Mahajan giải thích rõ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục