Dạy cho học sinh – sinh viên biết “nói không” với game

Sáng nay 7-6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội tổ chức hội thảo triển khai chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với học sinh – sinh viên.

(SGGPO). - Sáng nay 7-6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội tổ chức hội thảo triển khai chương trình hành động phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến đối với học sinh – sinh viên.

Theo ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho hay, hiện nay tỷ lệ học sinh – sinh viên chơi game khá cao. Nhiều học sinh – sinh viên cho biết chơi game từ 6-8 lần/tuần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ. Việc học sinh – sinh viên “nghiện” game dẫn đến nhiều hậu quả xấu, trong đó có nạn bạo lực học đường. Hiện ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có không ít học sinh – sinh viên đang điều trị các loại bệnh do nghiện game. Nhiều sinh viên năm thứ nhất học giỏi, năm thứ hai bắt đầu chơi game, năm thứ ba thì bỏ học phải vào bệnh viện nằm điều trị..

Trước những bức xúc của dư luận về hậu quả của game, ngày 7-4-2011, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có Quyết định số 1387 ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh – sinh viên trong giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, chương trình sẽ được triển khai trong năm học tới 2011-2012 với mục tiêu 100% cán bộ, giáo viên và học sinh – sinh viên nhận thức được tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh; 100% học sinh – sinh viên ký cam kết với nhà trường và các tổ chức đoàn thể không tham gia các loại trò chơi trực tuyến này; 100% phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường quản lý không để học sinh chơi các trò chơi trên; 100% các trường không có các vi phạm trong nhà giáo, cán bộ quản lý và học sinh – sinh viên liên quan đến các nội dung bạo lực và không lành mạnh do tác động của trò chơi trực tuyến.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để đạt tới mục tiêu trên, ngoài việc nhà trường, tổ chức Đoàn-Hội phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để học sinh – sinh viên tự nguyện xa rời game, cần phải tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh – sinh viên để các em biết từ chối cái xấu… Ngành Giáo dục – Đào tạo cũng cần có trách nhiệm quản lý học sinh – sinh viên trong giờ học, tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu và cùng nhà trường quản lý học sinh để hạn chế những tác động xấu của game. Riêng giáo viên cần phải biết được game là như thế nào, nội dung của trò chơi ấy ra sao để giáo dục, định hướng cho học sinh.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục