Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2013-2014, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2014 diễn ra trọn vẹn trong ngày 13-2.
Có điều đáng chú ý, hội nghị với nhiều nội dung của ngành diễn ra trong một ngày, nhưng trọn buổi sáng các địa phương chỉ nói về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT tới đây của Bộ GD-ĐT. Điều này khiến nhiều người có cảm giác, các địa phương vẫn chỉ dành ưu tiên cho mối quan tâm trước mắt, đó là thi cử. Có lẽ vì vậy, ngay câu mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lên tiếng “dù các đồng chí bàn nóng nhất về thi tốt nghiệp nhưng tôi muốn nói chung về giáo dục, về kết quả học kỳ 1. Có nhiều vấn đề giáo dục chúng ta chưa hài lòng, vì thế đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trình lên 2 kỳ họp TƯ mới ra được nghị quyết. Ngay cái tên của nghị quyết cũng cho thấy giáo dục còn nhiều vấn đề cần phải đổi mới”.
Thực tế, Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này đòi hỏi phải thực hiện đổi mới ở tất cả các bậc học, từ mầm non tới đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, giáo dục phổ thông vẫn được coi là một trong những bậc học quan trọng nhất, cần được đầu tư thỏa đáng nhất. Vì thế, không phải ngẫu nhiên cùng với thực hiện nghị quyết của TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện, Bộ GD-ĐT phải xây dựng đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015. Vì hơn bất cứ bậc học nào, giáo dục phổ thông là nơi trang bị nền tảng kiến thức cho cuộc đời một con người, nơi các em học sinh bắt đầu được học một cách sâu sắc về lòng yêu Tổ quốc, đồng bào, ý thức công dân cũng như bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho mình. Vì vậy, đây là bậc học mà lần đổi mới này được xã hội rất kỳ vọng và trông đợi Bộ GD-ĐT sẽ bắt đầu từ đâu.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nghị quyết TƯ đã nói rất nhiều về đổi mới giáo dục phổ thông. Dĩ nhiên, đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng không phải thay đổi hết. Những gì tốt đẹp phải phát huy. “Có những thứ phải lấy lại, chấn chỉnh lại, ví dụ như truyền thống chào cờ, hát quốc ca. Vì đó là nơi dạy cho học sinh lòng yêu Tổ quốc, đồng bào, trong khi bây giờ chào cờ chỉ có nhạc. Hay giáo dục công dân phải bắt đầu từ việc dạy đạo đức cho học sinh, đó là điều đầu tiên. Giáo dục thể chất thực phải dạy thể dục giữa giờ cho học sinh, để học sinh học những bài học khỏe để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ngày xưa chúng ta phân công cho học sinh trực nhật, cho học sinh tham gia lao động... bây giờ thì làm dịch vụ hết. Nếu không dạy học sinh ý thức giữ vệ sinh, lao động thì các em không thể trở thành con người yêu lao động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn tất cả những vấn đề đó để khẳng định rằng: đổi mới giáo dục phổ thông phải bắt đầu từ những việc tưởng nhỏ mà ý nghĩa vô cùng lớn đối với giáo dục đạo đức, ý thức làm người cho học sinh. “Tất cả những việc đó chúng ta có làm được không? Đổi mới giáo dục phổ thông phải làm đồng bộ nhiều khâu từ đổi mới, chương trình, SGK… Nhưng có những việc không cần đợi bộ mà cơ sở vẫn có thể làm ngay. Có những thứ không cần đề án triệu đô la, không cần tiền mà vẫn có thể làm được, làm sớm. Đó là dạy cho học sinh đạo đức làm người. Ngành giáo dục phải phát huy sự sáng tạo, lòng đoàn kết để làm những việc đó”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Có thể thấy, đổi mới giáo dục có thể bắt đầu từ nhiều khâu. Ngành giáo dục có thể chọn đột phá từ nhiều điểm, trong đó có đổi mới thi cử, tuyển sinh để tạo sức lan tỏa đến toàn bộ việc dạy và học. Nhưng dù chọn đột phá ở khâu nào, ngành giáo dục cũng cần nghiêm túc nhìn vào những yếu kém mà Nghị quyết 29 của TƯ đã chỉ ra để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thành công. Trong đó, có những việc không cần thời gian, không cần đề án, không cần kinh phí, từng nhà trường, từng địa phương có thể đổi mới ngay và tạo kết quả nhãn tiền. Trước khi chờ chương trình, SGK mới ra đời, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành giáo dục cần soát xét lại toàn bộ những gì được coi là tốt đẹp nhất của giáo dục Việt Nam từ trước đến nay để phát huy, để bồi bổ, khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, đồng bào cho các thế hệ học sinh từ bậc học mầm non trở đi. Cùng với truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, với sự bồi bổ lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào cho thế hệ trẻ, cộng với tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của thời đại, nhất định công cuộc đổi mới GD-ĐT của chúng ta sẽ thành công.
PHAN THẢO